• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Đề nghị giảm thuế TNDN xuống 20%: Tiếp sức cứu doanh nghiệp

    Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, sáng 29/5, ĐBQH kiến nghị phải coi giảm thuế là giải pháp đột phá cứu doanh nghiệp.

    Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, sáng 29/5, ĐBQH kiến nghị phải coi giảm thuế là giải pháp đột phá cứu doanh nghiệp. 

    giảm thuế cho doanh nghiệp là mũi tên trúng nhiều đích (trong ảnh: lao động ngành thép). Ảnh: Hồng vĩnh
    Giảm thuế cho doanh nghiệp là mũi tên trúng nhiều đích (trong ảnh: lao động ngành thép). Ảnh: Hồng vĩnh.

    Mặc dù Tờ trình Chính phủ quy định thuế suất phổ thông thuế thu nhập DN từ 25% xuống 22%, nhiều ĐB cho rằng cần giảm về một mức chung là 20%, nhằm tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực, tái đầu tư, vực dậy nền kinh tế.

    Đề nghị áp dụng một mức thuế suất phổ thông 20% cho mọi DN ngay từ thời điểm 1/7/2013, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho biết: Theo báo cáo Chính phủ, 69% DN đang báo lỗ.

    Việc giảm thuế suất sẽ chỉ có ý nghĩa và trong thời điểm hiện nay sẽ rất có ý nghĩa đối với số ít DN còn có lãi, vì nó giúp DN tăng cường nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây chính là giải pháp tốt để chia sẻ với Nhà nước về an sinh xã hội.

    Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ĐB Thái Bình) nhấn mạnh, đưa mức thuế thu nhập DN xuống mức thấp phải được coi là một giải pháp đột phá, tức là nên đồng giảm cho DN quy mô lớn, DN nhỏ và vừa cùng ở mức 20% để đạt được yêu cầu khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Đây là mũi tên trúng được nhiều đích.

    “Theo thống kê của cơ quan khai thuế, khoảng 30% DN đang có thu nhập, có khả năng đóng góp thuế, còn đến 70% DN đang kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, 30% DN này rất quan trọng đối với nền kinh tế vì họ chính là động lực, đầu tầu tăng trưởng, của nền kinh tế Việt Nam” - ĐB Lộc phát biểu.

    ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) chia sẻ, hiện nay và trong những năm tới, DN còn rất khó khăn. Nếu đưa thuế suất xuống 20% sẽ động viên DN, khoan thư sức dân, Nhà nước cùng DN chia sẻ khó khăn, tạo động lực, niềm tin cho DN. “Đề nghị giảm thuế suất xuống 20% và giảm tiếp xuống khoảng 18% vào những năm sau. Không phân biệt quy mô DN, có như vậy chúng ta mới bảo đảm được bình đẳng trong cạnh tranh” - ĐB Vẻ kiến nghị.

    Đặt lộ trình bỏ trần chi phí quảng cáo  

    Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nên đồng giảm thuế cho DN quy mô lớn, nhỏ và vừa cùng ở mức 20%
    Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nên đồng giảm thuế cho DN quy mô lớn, nhỏ và vừa cùng ở mức 20%.

    Liên quan đến xác định thu nhập tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường và một số ĐB kiến nghị không tách riêng để tính thuế trong hoạt động của DN.

    Theo ĐB Hường, thời gian qua, tách bất động sản để kê khai nộp thuế riêng khi thị trường sôi động góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

    Tuy nhiên đối tượng chịu Thuế TNDN là tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa có thu nhập chịu thuế chứ không phải thuế đánh vào từng hành vi kinh doanh hay từng lĩnh vực kinh doanh riêng biệt.

    Trong trường hợp sản xuất kinh doanh bị thua lỗ mà không được bù trừ với lãi do kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác mang lại thì điều này là bất hợp lý. “Tôi đề nghị lãi, lỗ của các DN cần được hạch toán chung để giúp DN có thể san sẻ rủi ro trong quá trình hoạt động của mình” - ĐB Hường kiến nghị.

    Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, phải có lộ trình bỏ trần chi phí tiếp thị quảng cáo đối với DN. Thời gian hiện nay chưa làm được thì tối thiểu nâng lên đến 20% - 30%, hoặc là giữ mức 15% trên tổng doanh thu như đề xuất. “Chúng ta nên mạnh dạn bỏ để cởi trói, tạo điều kiện, tạo động lực phát triển của DN”- ĐB Lộc nói.

    Giảm thuế báo chí: nhiều lợi ích

    Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho biết, giới báo chí rất quan tâm, hoan nghênh khi có đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế TNDN, theo đó thu nhập từ hoạt động báo in kể cả quảng cáo báo in được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm.

    Đây là một sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động báo chí, cụ thể là báo in. Tuy nhiên, tại tờ trình của mình Chính phủ không quy định áp dụng thuế ưu đãi đối với các loại hình báo chí khác, báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập ngân sách.

    Vì vậy, ông Huệ đề nghị xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác gồm: báo nói, báo hình, báo điện tử và nên áp dụng thuế đối với báo chí ngay từ 1/7/2013, thay vì áp dụng chung từ ngày 1/1/2014.

    “Thuế báo chí đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, giảm thuế suất cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập ngân sách, đồng thời lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều” - ĐB Huệ nói. 

    Băn khoăn miễn thuế Cty mua bán nợ

    ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, đến thời điểm hiện tại, tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa được thành lập, nên chưa có cơ sở xem xét miễn thuế.

    “Hơn nữa, tổ chức này hoạt động theo mô hình công ty mua bán nợ, kinh doanh có phát sinh thu nhập thì cần thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như các tổ chức khác nhằm đảm bảo tính công bằng” - ĐB Bé nói.

    Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, công ty không vì lợi nhuận, giải quyết nợ xấu cho ngân hàng mà chúng ta thu thuế thì không cần thiết.