• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Bắc Ninh nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi

    Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho công tác thú y, hỗ trợ người dân chủ động phòng, chống dịch, góp phần tăng giá trị ngành chăn nuôi toàn tỉnh lên gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

    Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho công tác thú y, hỗ trợ người dân chủ động phòng, chống dịch, góp phần tăng giá trị ngành chăn nuôi toàn tỉnh lên gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

    Tiêm phòng cúm gia cầm ở phường võ cường,TP Bắc Ninh

     Nhanh chóng khống chế dịch cúm gia cầm

    Về Bắc Ninh những ngày này, dường như không khí phòng, chống dịch cúm gia cầm vẫn còn "nóng", cho dù đã qua 21 ngày, Bắc Ninh không phát sinh thêm ổ dịch nào. Phó Chi cục trưởng Thú y Nguyễn Mạnh Ðịnh cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại một hộ chăn nuôi  thôn Ða Cấu, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh (làm chết 200 con trong tổng số 400 con gà bốn tháng tuổi). Ngày 14-3, UBND tỉnh công bố dịch và chỉ đạo các cấp, ngành  thực hiện ngay các biện pháp quyết liệt xử lý triệt để ổ dịch này, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Theo nhận định, đây chỉ là ổ dịch nhỏ trong phạm vi một xã, nhưng trước nguy cơ dịch có thể bùng phát và lây sang người, các biện pháp quyết liệt và đồng bộ đã được áp dụng ngay: cấp kinh phí tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm phòng vắc-xin "bao vây" ở vùng chung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh cao; thành lập sáu chốt kiểm dịch cố định và một chốt lưu động; hai đội kiểm dịch liên ngành Bắc Ðuống và Nam Ðuống hoạt động 24/24 giờ nhằm kiểm tra, giám sát, kiểm dịch chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh cho người dân, vừa chấn an dư luận, vừa nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức trách nhiệm đối với việc phòng ngừa dịch bệnh. Nói về kết quả đạt được, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Mạnh Ðịnh khẳng định, dịch cúm gia cầm ở Bắc Ninh nhanh chóng được  khống chế là do công tác phòng, chống dịch luôn ở "tư thế" sẵn sàng, từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh đến chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Ngay trong dịp giáp Tết Nguyên đán, toàn tỉnh đã tổ chức Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ phát tán mầm bệnh, xây dựng kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ xuân hè sớm. Ðến nay, toàn tỉnh tiêm phòng đại trà đợt 1 - năm 2010 được hơn hai triệu liều vắc-xin cúm (đạt 70% kế hoạch); đồng thời cũng cấp cho 126 phường, xã  90 nghìn liều vắc-xin dại, 50 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) gia súc để triển khai tiêm phòng.

    Ðầu tư, kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở

    Ðể bảo vệ đàn  gia súc gia cầm, Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 992/QÐ-UBND, với hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống dịch bệnh như: kinh phí tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; tuyên truyền, hỗ trợ người tham gia chống dịch, cơ sở chăn nuôi gia cầm giống gốc... Trong các biện pháp kỹ thuật phòng dịch, Bắc Ninh coi tiêm phòng vắc-xin là biện pháp chủ động. Vì vậy, tỉnh đã cấp 100% kinh phí mua vắc-xin để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng khống chế, vùng đệm, hỗ trợ công tiêm phòng; cấp miễn phí vắc-xin và hỗ trợ 50% tiền công tiêm phòng bệnh LMLM và bệnh nguy hiểm khác cho đàn trâu bò, lợn giống ở vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, cấp miễn phí vắc-xin và hỗ trợ 50% tiền công tiêm phòng bệnh dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Ðặc biệt, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho tất cả các tổ chức kinh tế, hộ nông dân, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh hai đợt tiêm phòng đại trà theo quy định, tỉnh còn tổ chức tiêm phòng bổ sung gia cầm tái đàn theo tuần và bệnh LMLM, các bệnh gia súc khác theo tháng để hạn chế thấp nhất khả năng bỏ sót gia cầm không tiêm phòng.

    Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2009, Bắc Ninh có tổng đàn trâu bò đạt gần 60 nghìn con, đàn lợn 430 nghìn con và đàn gia cầm khoảng bốn triệu con. Thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2015, đưa ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm 54% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, với giá trị hàng hóa đạt 1.020 tỷ đồng; và con số tương ứng sẽ là 58,98% và 1.200 tỷ đồng vào năm 2020. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, năm 2006, tỉnh phê duyệt đề án kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở phủ khắp 126 xã, phường, thị trấn của tám huyện, thị xã và thành phố Bắc Ninh. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có một nhân viên thú y (phụ cấp 0,7- 0,9% mức lương tối thiểu), mỗi thôn có một cộng tác viên thú y được khuyến khích, hỗ trợ việc đào tạo chuyên môn, được hưởng thù lao lao động khi tham gia chống dịch. 

    Trong hoàn cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với những thách thức về dịch bệnh, giá vật tư, thức ăn chăn nuôi luôn biến động và ở mức cao... thì việc tập trung đầu tư cho công tác thú y được coi là "hàng rào" ngăn chặn dịch bệnh, tạo đà cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô, phát triển những trang trại công nghiệp, bán công nghiệp. Ðúng như lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Năm, chủ trang trại nuôi hơn 3.000 con gà siêu trứng ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong): "Mặc dù giá thức ăn tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn có ý định đầu tư thêm chuồng trại, tăng đàn lên nữa... nếu như tình hình dịch bệnh ổn định".

    (Theo Hải Phương // Báo Nhân dân)