• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Lo ngại dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

    Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung và Nam. Tại phía Bắc, dịch chưa bùng phát, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vì thời tiết đang có nhiều đợt nắng nóng, ẩm - điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

     Biến đổi khí hậu và sự chủ quan làm SXH tăng cao

     
    Đây là khẳng định của các chuyên gia y tế dự phòng. Nhiều nơi, ngành y tế đã tổ chức diệt bọ gậy, hướng dẫn người dân cách phòng tránh SXH, song các ổ dịch vẫn tái phát. Thậm chí có địa phương vẫn còn xem phòng chống SXH là công việc của ngành y tế. Thố#ng kê từ đầu năm đến nay, tại 40 tỉnh thành, cả nước có gần 11.000 người mắc, 10 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số mắc tăng 5,2%, tử vong tăng 3 trường hợp. Các ca SXH tập trung ở 20 tỉnh miền Nam và 11 tỉnh miền Trung. Hiện nay Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng I và II TP Hồ Chí Minh đã quá tải vì bệnh nhân SXH. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận trên 20 ca SXH, phần lớn đều rất nặng. Theo nhận định của BS Đỗ Châu Việt - Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II, SXH đang vào mùa với số ca nhập viện tăng mạnh đến tháng 12. 
     
    Tại Tiền Giang đến tuần đầu tháng 5, toàn tỉnh có gần 500 ca SXH. Huyện Cai Lậy là địa phương có số mắc cao nhất (132 ca). Nhiều gia đình có người mắc SXH không đến ngay cơ sở y tế khám và chữa mà thường để ở nhà. Đến khi sốt cao, sốc, xuất huyết niêm mạc, suy tim, suy hô hấp... họ mới đến viện nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn... 
     
    Cùng thời điểm này tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã xuất hiện hàng trăm ổ dịch SXH với hàng nghìn ca mắc. Khánh Hoà là một trong những tỉnh có số người bị SXH cao trên 2000 ca, tăng vài chục lần so với cùng kỳ năm 2012. Tiếp đến là Quảng Ngãi, bệnh đang có chiều hướng lây lan mạnh ở huyện miền núi Sơn Hà, nơi mà nhiều năm nay không có người mắc. Nguyên nhân do ý thức vệ sinh môi trường, khu vực nhà ở của người dân còn kém.
     
    Theo Cục Y tế Dự phòng, hiện nay các tỉnh miền Bắc đang trong mùa mưa, độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện lý tưởng để muỗi gây bệnh SXH phát triển mạnh. Tại các BV ở Hà Nội, mỗi ngày có 10 - 20 ca mắc SXH đến khám và điều trị. 
     
    Tăng cường phòng SXH
     
    Dự báo của Cục Y tế dự phòng cho biết: Năm 2013 sẽ là năm bệnh SXH sẽ bùng phát mạnh (theo chu kỳ 3 - 5 năm), chủ yếu vào hai giai đoạn: từ tháng 4 - 6 và tháng 9 - 11. Từ đầu năm ngành y tế dự phòng các tuyến đã tăng cường công tác phòng chống, giám sát phát hiện bệnh, xử lý 100% ổ dịch nhỏ, củng cố hoàn thiện hệ thống báo dịch, thành lập đội phòng chống dịch lưu động, xây dựng hệ thống bản đồ dịch tễ, cập nhật các ổ dịch cũ đầy đủ và chuẩn bị mọi phương tiện, thuốc, hóa chất. Các cơ sở y tế cũng thống nhất phác đồ điều trị đồng thời mở nhiều lớp tập huấn cho y, bác sĩ, điều dưỡng về kiến thức phòng chống dịch bệnh.  Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã triển khai chiến dịch thả muỗi phòng SXH. Theo đó, khoảng 200.000 con quăng (ấu trùng của muỗi) được chủ động thả trên đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa) trong 12 tuần tại hơn 800 hộ dân để nở thành muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, có thể gây ức chế khả năng phát triển của virus Dengue gây bệnh SXH trong cơ thể muỗi vằn, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch SXH trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên ngành y tế triển khai hoạt động thay thế quần thể muỗi tự nhiên bằng một quần thể muỗi mới có khả năng giảm sự lây nhiễm virus Dengue truyền bệnh SXH trong muỗi vằn Aedes Aegypt.
     
    Theo Đại Đoàn Kết