• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Phân biệt chốc lở, rôm sảy ở trẻ và cách xử trí

    Mùa hè nóng bức cũng là khi trẻ em hay bị chứng rôm sảy và các bệnh ngoài da. Nhiều trẻ em bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiều mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. 

    Mùa hè nóng bức cũng là khi trẻ em hay bị chứng rôm sảy và các bệnh ngoài da. Nhiều trẻ em bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiều mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. Ông bà người thì đoán bị rôm, người lại bảo bị chốc lở. Vì vậy, cách nhận biết, phân biệt xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

    Nhận biết chốc lở ngoài da

    Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là chốc lây. Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

    Rôm sảy ở trẻ.

    Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước.

    Chốc có bọng nước điển hình, khởi đầu là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Vài giờ hoặc vài ngày sau các bọng nước giập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong. Thương tổn khỏi không để lại sẹo. Vị trí thường gặp: ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. Bệnh nhân có thể ngứa - gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.

    Chốc không có bọng nước điển hình là mụn nước, mụn mủ nhưng giập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các thương tổn vệ tinh ở xung quanh.

    Xử trí đúng hạn chế lây lan

    Khi trẻ bị chốc lở, cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng dung dịch thuốc tím pha loãng hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn. Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch xanh methylen... Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

    Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng.

    Chốc lở ở trẻ.

    Rôm sảy

    Vào mùa hè nóng nực, trẻ hay mắc rôm sảy, một bệnh da đơn giản, tự khỏi khi trời mát, nhưng nếu không biết chăm sóc, chữa trị có thể có biến chứng nặng hơn như viêm nang lông, nhọt. Rôm sảy thường thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán,... đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn. Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Khi đó trẻ gãi làm da sây sát dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, ngủ không ngon do ngứa. Tụ cầu khuẩn vàng là vi khuẩn thường gây bội nhiễm, gây viêm nang lông, nhọt. Khi trời mát, rôm sẽ tự lặn đi và để lại các đám vẩy da bong mỏng, màu trắng, ít ngày sau da trở lại bình thường không để lại sẹo. Khi gặp nóng bức trở lại, rôm sảy lại có thể xuất hiện ngay. Các điều kiện thuận lợi làm rôm xuất hiện là nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm, không thoáng khí, trẻ mặc quần áo bí hơi, mặc quá nhiều quần áo, ít tắm rửa.

    Biểu hiện bệnh theo từng loại: rôm dạng tinh thể, loại rôm sảy này không có viêm, các mụn nước rất nông ở lớp sừng, thường xảy ra do sốt cao và khi khỏi để lại mảng da bong mỏng, không để lại sẹo. Rôm đỏ hay xuất hiện ở thân mình, lưng hay bị hơn cả, vùng quần áo cọ xát vào da. Thương tổn là các sẩn màu đỏ, thành các đám dày, có khi chiếm hết cả diện tích lưng, ngực. Loại này gây khó chịu cho người bệnh với cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy. Trẻ nhỏ hay bị ở các vùng cổ gáy, nách, bẹn và có thể bị ở các vùng da khác của cơ thể. Thể rôm đỏ hay bị biến chứng bội nhiễm hơn cả, các biến chứng như chốc, viêm nang lông, nhọt do nhiễm tụ cầu vàng. Rôm  sâu thường xảy ra khi rôm sảy đỏ bị đi bị lại nhiều lần. Thương tổn là các sẩn 1-3mm, màu nhạt, cứng, thường ở thân mình, nhưng cũng có thể gặp ở tay chân và không có ngứa hay cảm giác châm chích khó chịu như thể rôm đỏ. Rôm sâu có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi.

    Xử trí khi bị rôm sảy
     
    Cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt, nơi nóng bí gió. Quần áo, tã lót dùng loại vải sợi, mỏng, rộng thoáng, thấm mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi. Nếu cơ thể không bị nóng, hạn chế tiết mồ hôi thì rôm sảy có thể mất đi nhanh chóng. 
    Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm cho trẻ, không sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da. Có một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu...
    Xoa phấn rôm cũng làm cho da được khô, chống viêm và thoáng mát. Tuy nhiên, nên xoa ngay sau khi tắm, không xoa khi mồ hôi nhiều vì như vậy sẽ làm bịt lỗ chân lông.
    Trường hợp da bị viêm nhiều, lâu khỏi, cần bôi kem có corticoid nhẹ, trong kem có thể có kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên nên đi khám để được chỉ định đúng, tránh các biến chứng xảy ra và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc. Bôi các loại mỡ, thuốc mỡ kháng sinh không những làm cho da bị bít mà còn có thể gây dị ứng.
    Cần cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, cam, chanh... Hạn chế ăn, uống các loại thực phẩm có nhiều đường.
     
    Theo SKDS