• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Công chức dễ mắc bệnh tâm thần

    Gần một nửa số bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) là những người làm nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, nhà báo…

    Gần một nửa số bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) là những người làm nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, nhà báo…

    Anh H., 36 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội, là một cán bộ ngành xây dựng. Do phải đẩy nhanh tiến độ thi công, suốt 4 tháng liền, anh luôn phải thức trắng đêm nên sức khỏe ngày càng sa sút. Anh bị mất ngủ kéo dài, lúc nào cũng nghe tiếng máy móc thi công ầm ầm trong đầu và không dám ăn bất cứ cái gì vì sợ bị bỏ thuốc độc.

    Người nhà lo lắng đưa anh đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị ảo thanh, ảo khướu (một dạng của bệnh ảo tưởng). Nhìn bệnh nhân ngồi ở phòng khám với đôi mắt lờ đờ, không ai đoán được anh từng là một kỹ sư giỏi, có thu nhập cao.

    Còn chị X., 34 tuổi, ở Cầu Giấy, từng công tác tại một tòa án. Theo lệnh của cấp trên, chị phải lập một bộ hồ sơ trái với lương tâm. Cảm giác cắn rứt, hối lỗi đeo đẳng khiến chị trở lên ít nói, luôn lo sợ. Lúc đầu, gia đình chỉ nghĩ X. mệt do làm việc nhiều, không ngờ bệnh tình ngày càng trầm trọng. Cứ nhìn thấy giấy tờ là chị lại hoảng loạn, la hét, thậm chí không dám đi làm. Đi khám, chị được kết luận là mắc bệnh tâm thần.

    Bác sĩ đang hướng dẫn bệnh nhân ngồi thiền ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai

    Bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng, cho biết trong số bệnh nhân công chức có rất nhiều người trẻ tuổi. Họ thuộc mọi ngành nghề, nhất là những nghề luôn chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, nhà báo… Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tâm thần cho giới công chức là stress trong công việc. Áp lực đó dẫn đến căng thẳng kéo dài, khiến cho tâm trí họ hoảng loạn, bất an và lâu ngày thành bệnh.

    Theo tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện, sức khỏe tâm thần hiện chưa được quan tâm đúng mức. Người ta chỉ lưu tâm khi bệnh nhân đã đến mức đốt nhà, gây rối, điên loạn... chứ không nghĩ đến chuyện dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh sớm. Điều này dẫn đến một hệ quả đau lòng là nhiều cán bộ, công chức giỏi mắc bệnh và khó trở lại bình thường vì chậm được điều trị. Những người này thường không có tiền sử tâm thần, chỉ do áp lực công việc mà phát bệnh.

    Để phòng tránh bệnh tâm thần, các bác sĩ khuyến cáo nên luôn làm chủ bản thân, hoàn cảnh, phải có kế hoạch khoa học trong công việc, biết cách loại trừ căng thẳng bằng cách giải trí, chia sẻ với người thân... Với những người làm việc trong môi trường áp lực cao, bác sĩ Hiển cho rằng cách phòng bệnh tốt nhất là tập thiền, không nên tự ý dùng thuốc an thần.
     
    Nên đi khám nếu mất ngủ liền 3 đêm vì đây là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh tâm thần. Các biểu hiện khác là suy nhược, lo lắng, sợ hãi, bất an không rõ nguyên nhân... 

    (Theo Tretoday)