• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Vết bớt bẩm sinh ở trẻ có đáng lo?

    Một số em bé từ khi lọt lòng hoặc sau sinh một vài tuần thấy xuất hiện những vùng da sẫm màu (xanh tím, nâu, đen, xanh lơ, hồng nhạt hoặc đỏ tươi) có thể gặp bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.

    Một số em bé từ khi lọt lòng hoặc sau sinh một vài tuần thấy xuất hiện những vùng da sẫm màu (xanh tím, nâu, đen, xanh lơ, hồng nhạt hoặc đỏ tươi) có thể gặp bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Các vết bớt có thể tăng kích thước theo từng giai đoạn của trẻ khiến cha mẹ lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ về những vết bớt bẩm sinh ở trẻ và tùy từng trường hợp mà điều trị.

    Các vết bớt bẩm sinh

    Vết bớt sẫm màu (bớt tím, đen, xanh lơ, nâu, đen): Các vết bớt này có thể nhỏ vài cm hay lan hết cả đùi, mông. Nguyên nhân là do sự ứ đọng và tăng bất thường sắc tố melanin dưới da, có thể kèm theo tăng lông như một miếng da chó. Khi ấn tay hoặc miết tay vào vùng da tổn thương: da vẫn vậy, không mất sẫm màu, vì sắc tố đã cố định có tính chất bẩm sinh ở trung bì và thượng bì vùng tổn thương. Các vết bớt sẫm màu đó trong chuyên khoa da liễu gọi là bớt sắc tố. Khi trẻ lớn lên, những vết bớt này sẽ từ từ mất đi mà không cần can thiệp.

    Bớt sắc tố đơn thuần hầu như là lành tính.

    Vết bớt màu đỏ tươi hay hồng nhạt: thường xuất hiện ngay từ quá trình phát triển của bào thai hoặc sau khi sinh. Nguyên nhân là do các động mạch nhỏ dưới da giãn nở quá mức và thường xuyên làm máu dồn đọng nhiều tới vùng da đó. Dùng tay xoa, miết lên vùng tổn thương thì da sẽ chuyển sang màu hồng (đỏ nhạt) hoặc bình thường. Vì lúc này các tiểu động mạch bị ép làm máu bị dồn ra vùng xung quanh, ngược lại khi bỏ tay ra máu lại dồn trở về và vùng tổn thương trở lại như trước. Các vết bớt đỏ hồng đó y học gọi là u máu phẳng. Nếu tiểu động mạch giãn nở ở mức cao hơn, thành búi, thành chùm, thành u gồ ghề trên mặt da thì gọi là u máu phồng, u máu hang.

    Đối với bớt sắc tố và bớt u máu dân gian gọi là vết chàm, vết chó vá, thánh đóng dấu... Những người không hiểu về nó cho là do em bé“lộn” nhiều lần nên thánh đắp miếng da chó hoặc bôi màu vào để đánh dấu. Có người lại hiểu sai gọi các bớt này là “chàm khô”. Thực chất, chàm khô chỉ là một thể bệnh trong bệnh eczema có triệu chứng đám da đỏ, có vẩy, không có mụn nước.

    Khi nào cần điều trị?

    Bớt sắc tố đơn thuần hoặc có lông, kể cả bớt u máu phẳng nếu không bị kích thích đều là những tổn thương sẽ hoàn toàn lành tính, có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, đến một lúc nào đó hoặc sau tuổi dậy thì sẽ dừng và cố định lâu dài, không ảnh hưởng sức khỏe, không có biến chứng. Riêng đối với u máu hang nếu bị xây xước có thể chảy máu âm ỉ hoặc ồ ạt, dẫn tới nhiễm khuẩn rất nguy hiểm, cần được xử lý tại cơ sở y tế chuyên khoa.

    Vết bớt bẩm sinh trên da bé.

    Nhìn chung, đối với bớt sắc tố hoặc bớt u máu phẳng kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước rộng ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ảnh hưởng tâm lý gây trở ngại, mặc cảm khi giao tiếp xã hội thì cần được điều trị. Tùy từng trường hợp, lứa tuổi, vị trí, khích thước tổn thương, có thể dùng áp tuyết cácbon, chiếu tia Xquang sâu hoặc nông, tia laser, phẫu thuật thẩm mỹ... U máu phẳng ở trẻ em có thể điều trị bằng thuốc do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ. Không nên tự ý bôi đắp thuốc, tẩy màu dễ gây bỏng da, nhiễm khuẩn; không cạo lông trên bớt sắc tố vì càng cạo, lông càng mọc nhanh, cứng hơn gây khó chịu. Hiện nay, với laser phân hủy quang nhiệt chọn lọc, y học đã có thể xóa, làm mờ những vết bớt trên da. Tuy nhiên, kết quả điều trị còn phụ thuộc vào diện tích, ví trí, đặc biệt là độ nông sâu của lớp tổn thương sắc tố. Vì vậy, khi trẻ có bớt sắc tố cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu, tùy từng loại tổn thương bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.

    Theo SKDS