• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Chọn cách sinh con, chớ quá cực đoan

    Thông tin gần đây về một số vụ tai biến sản khoa dẫn đến chết mẹ hoặc con hoặc cả hai mẹ con, đã làm không ít sản phụ hoang mang. Một số cơ sở y tế, không biết vô tình hay cố ý đã truyền thông gây ngộ nhận sinh mổ an toàn hơn sinh thường. Tỷ lệ sinh mổ cũng đang ngày càng tăng, đặc biệt tại các nơi có dịch vụ theo yêu cầu thai phụ và gia đình.

    Thông tin gần đây về một số vụ tai biến sản khoa dẫn đến chết mẹ hoặc con hoặc cả hai mẹ con, đã làm không ít sản phụ hoang mang. Một số cơ sở y tế, không biết vô tình hay cố ý đã truyền thông gây ngộ nhận sinh mổ an toàn hơn sinh thường. Tỷ lệ sinh mổ cũng đang ngày càng tăng, đặc biệt tại các nơi có dịch vụ theo yêu cầu thai phụ và gia đình.

    Bé sinh thường có hô hấp tốt hơn

    Khi nói đến sinh thường (từ chuyên môn gọi là sinh ngã dưới, sinh ngả âm đạo), cần nhớ rằng đây là cách tự nhiên đã chọn lựa qua cả quá trình tiến hoá. Do đó, chắc chắn thích hợp nhiều nhất cho mẹ và con. Khi em bé đi qua ống sinh dục của mẹ trên đường chuyển dạ, với thời gian và lực ép của ống sinh dục, các chất dịch trong đường thở được tống xuất ra ngoài. Cùng với tiếng khóc đầu tiên, đường thở và phổi của bé đã sạch phần nào các chất dịch này, nở ra và bắt đầu hoạt động.

    Trong khi đó, những trẻ sinh mổ, dù có qua hồi sức nhi tích cực, vẫn còn một lượng dịch ứ đọng, hô hấp vì vậy không tốt bằng trẻ sinh thường. Mặt khác, cuộc chuyển dạ tự nhiên thường chuẩn bị vài ngày. Với thời gian này, đã có thay đổi lượng dịch trong đường hô hấp trẻ, nhằm chuẩn bị tốt khi chào đời. Đó cũng là lý do tại sao một số trường hợp mổ sinh chủ động khi chưa vào chuyển dạ, trẻ lại có vấn đề hô hấp, đôi khi diễn tiến rất xấu, có khả năng tử vong hay di chứng nặng nề. Vấn đề này đã được nhắc nhiều gần đây, khi một số người muốn sinh con đúng “ngày giờ như ý” mà quên để ý các thay đổi sinh lý của chuyển dạ tự nhiên.

    Kiểu sinh nào cũng có tốt, xấu

    Khi sinh thường, người mẹ phải ráng sức trong lúc rặn sinh và do thai phải đi qua đường sinh dục nên có thể đường sinh dục bị tổn thương. Việc may đường sinh dục để lại cảm giác đau trong thời gian hậu sản. Thậm chí, cảm giác tình dục có thể thay đổi nếu may không đúng kỹ thuật hay vết may lành sẹo xấu. Nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng sinh thường nhiều lần, nhất là với con to, sẽ làm đường sinh dục dãn rộng, kém khả năng “yêu”.

    Sinh mổ tuy không để lại di chứng cho đường sinh dục nhưng lưu vết sẹo trên tử cung. Tử cung đã qua một lần sinh mổ sẽ khó khăn hơn cho lần thai sau, như: dễ sinh mổ lại, thai hay nhau nằm ở vị trí bất thường, có thể vỡ tử cung. Cũng không thể sinh mổ quá nhiều lần (thường là hai lần, hạn hữu lắm có thể ba lần nhưng rất nguy hiểm). Chi phí y tế, tốn kém sức khoẻ của người mẹ khi sinh mổ dĩ nhiên cao hơn sinh thường. Sinh mổ ngày nay đa số thực hiện dưới gây tê, làm giảm phần nào tai biến gây mê. Tuy vậy, vẫn còn khả năng dị ứng do các thuốc sử dụng để vô cảm bệnh nhân. Chưa kể, can thiệp vào ổ bụng có thể làm tăng khả năng dính ruột. Đã có nhiều báo cáo, tầm cỡ thế giới lẫn thực tế tại Việt Nam, cho thấy tỷ lệ bệnh hay tử vong của cả con và mẹ trong sinh mổ không thấp hơn khi sinh thường (thậm chí còn cao gấp 2 – 3 lần). Sinh mổ cũng sẽ làm mất sức, mất máu nhiều hơn, đôi khi còn mất sữa sau sinh, do thời gian hậu phẫu đau nhiều hay vận động khó khăn nên không cho bé bú sớm, không kích thích tiết sữa.

    Cân nhắc từng trường hợp cụ thể

    “Sinh mổ hay sinh thường đều có những ưu điểm và những bất lợi mà cả bác sĩ lẫn bệnh nhân phải cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể”.

    Sinh mổ hay sinh thường đều có những ưu điểm và những bất lợi mà cả bác sĩ lẫn bệnh nhân phải cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể. Không nên quá cực đoan khăng khăng chọn sinh thường khi em bé quá yếu, cần lấy ra gấp, hay người mẹ không đủ sức chịu đựng cuộc chuyển dạ. Cũng như sinh mổ sẽ không phải là lựa chọn đúng đắn khi có đủ bằng chứng cho thấy người mẹ có thể sinh thường dễ dàng.

    Trong mỗi lần sinh thường, đường sinh dục có thể bị dãn ra, các sợi cơ vùng sàn chậu có thể suy yếu, dẫn đến các bệnh lý do yếu vùng chậu. Tuy nhiên, nếu kỹ thuật đỡ sinh tốt, sản phụ có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập luyện tốt sau sinh, cũng như không sinh quá nhiều lần, thì hoàn toàn có thể tránh được di chứng này. Nếu có các động tác tập luyện sau sinh sẽ phục hồi khả năng hoạt động của các cơ vùng chậu. Cơn đau trong cuộc chuyển dạ sinh thường cũng có thể khắc phục bằng phương pháp “đẻ không đau” (sản phụ được tiêm thuốc giảm đau vào vùng tuỷ sống lúc cuộc chuyển dạ bắt đầu).

    Thông thường, sinh mổ được chọn khi: sức khoẻ người mẹ hay thai nhi không thể chiụ nổi cuộc chuyển dạ lâu; thai quá to so với đường sinh dục của mẹ; hoặc khung xương chậu của mẹ có vấn đề do dị tật hay tai nạn. Sinh mổ có thể thực hiện trong quá trình theo dõi chuyển dạ hay thực hiện chủ động khi thai đã đủ lớn. Hiếm hơn, khi sức khoẻ mẹ quá yếu, phải lấy thai ra ngay nhằm cứu mẹ.

    Hiện ở nhiều bệnh viện lớn đều có các lớp học tiền sản dành cho phụ nữ mang thai. Đi vào cuộc chuyển dạ với một số thông tin cần thiết và có chuẩn bị trước cũng là một cách tốt để đối mặt với các cơn đau. Hãy chọn cách sinh khôn ngoan, dựa theo những thông tin y tế chính xác!

    “Đẻ không đau” bị hiểu SAI

    Nhiều sản phụ đã rất lo khi nghe nói đến giảm đau sản khoa (tức “đẻ không đau”), vì phải tiêm thuốc vào tuỷ sống và sợ biến chứng về sau. Thật ra, đây là thủ thuật an toàn, hầu như không có biến chứng gần hay xa. Một số người quy kết đau lưng sau sinh là do tiêm thuốc. Đúng là oan ức! Bởi sau sinh, tình trạng thiếu canxi cũng làm tăng đau lưng. Làm việc quá tải của các cơ vùng lưng trong thời gian mang thai cũng góp phần đau lưng. Chưa kể hoạt động của người mẹ hay sự mệt mỏi và căng thẳng trong thời gian nuôi con bú cũng là yếu tố góp phần mệt mỏi toàn thân, trong đó có đau lưng.

    (Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh // SGTT Online)