• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Đái tháo đường thai kỳ: Nguy hiểm thế nào?

    Tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sảy thai... là những biến chứng dễ xảy ra ở những bà mẹ bị đái tháo đường trong thời kỳ mang thai.

    Tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sảy thai... là những biến chứng dễ xảy ra ở những bà mẹ bị đái tháo đường trong thời kỳ mang thai.

    Ðái tháo đường thai kỳ là gì?

    Đái tháo đường trong thai kỳ là hiện tượng bà mẹ bị tăng đường máu trong quá trình mang thai. Thuật ngữ này bao gồm hai bệnh đó là đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường trước thai kỳ.

    Với đái tháo đường thai kỳ là hiện tượng bà mẹ bị tăng đường máu trong quá trình mang thai với điều kiện trước đó bà mẹ không bị mắc bệnh. Chính hiện tượng mang thai đã gây ra sự biến đổi nội tiết trong cơ thể người mẹ khiến cho người mẹ bị đái tháo đường. Còn đái tháo đường trước thai kỳ có nghĩa là bệnh đái tháo đường là bệnh độc lập. Bệnh có từ trước khi mang thai và bà mẹ mang thai trên điều kiện bị bệnh đái tháo đường sẵn có.

    Nói như trên có nghĩa là đái tháo đường thai kỳ không trùng lặp bệnh đái tháo đường có từ trước hoặc các bệnh xuất hiện sau thời kỳ mang thai. Tuy vậy, các bà mẹ cần hết sức cảnh giác với đái tháo đường trước khi mang thai vì những hệ lụy mà các bà bầu phải gánh chịu.

    Đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ không cao. Chỉ có khoảng 3-10% bà mẹ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ. Song khi bệnh ở mức độ nặng, nó có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau và ảnh hưởng tới cả mẹ và con.

    Nguy hiểm thế nào? 1

    Nguy cơ nào cho bà mẹ và thai nhi

    Về thai nhi, qua nghiên cứu và theo dõi, người ta thấy rằng các đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị đái tháo đường phải gánh chịu nhiều nguy cơ như thai nhi dễ bị chấn thương trong khi sinh gấp 2 lần so với đứa trẻ bình thường, nguy cơ phải mổ đẻ gấp 3 lần và nguy cơ bị suy yếu thai gấp 4 lần. Thêm vào đó, người ta thấy dường như đứa trẻ dễ bị mắc cácdị tật bẩm sinh hơn nếu mẹ bị đái tháo đường.

    Tỷ lệ dị tật bẩm sinh tự nhiên ở thai nhi vào khoảng 1-2%. Nhưng nếu bà mẹ bị đái tháo đường thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở thai nhi tăng gấp từ 4-8 lần so với thông thường. Nhất là với các bà mẹ không thể kiểm soát đái tháo đường trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh cho con có thể là 5,1-9,8%. Trong số các dị tật bẩm sinh thì có tới 2/3 số trẻ em bị dị tật ở hệ tim mạch và hệ thần kinh. Tỷ lệ thai nhi bị dị tật khuyết ống sống cao gấp 13-20 lần so với bình thường. Tiếp theo là các dị tật về sinh dục, tiêu hoá và xương khớp như xương bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân. Tuy nhiên, nếu bà mẹ bị đái tháo đường mới phát sinh từ tháng thứ 4 trở đi thì nguy cơ cho con sẽ thấp đi rất nhiều. Điều đó có nghĩa là rất cần kiểm soát đái tháo đường từ trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu tiên.

    Về phía trẻ mới sinh, người ta thấy những đứa trẻ mới sinh từ các bà mẹ bị đái tháo đường thì hay phải chăm sóc bằng lồng kính nhân tạo hơn so với các đứa trẻ bình thường. Chúng còn phải mang trong mình những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn như bị rối loạn chuyển hoá và nguy cơ bệnh tim mạch.

    Những đứa con được sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường bất kể là đái tháo đường trong thai kỳ hay trước thai kỳ, chúng đều bị rối loạn chuyển hoá tới tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ này có nguy cơ cao bị chứng bệnh không dung nạp đường, một tiền triệu của đái tháo đường trong tương lai. Tỷ lệ trẻ em bị rối loạn dung nạp đường máu ở trẻ 10-16 tuổi là 19,3% nếu như được sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường. Ngoài sự rối loạn không dung nạp đường huyết người ta còn thấy chúng còn có thể bị béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

    Đứng về góc độ bà mẹ, có rất nhiều nguy hiểm. Đái tháo đường và thai kỳ tự làm nặng lẫn nhau và làm gia tăng các biến cố. Với bà mẹ, không thể không lưu ý tới các biến chứng về thận và về tăng huyết áp. Hai biến chứng này nguy hại và có vẻ tăng nặng trong thời kỳ mang thai.

    Với biến chứng thận, một bà mẹ bị bệnh thận sẵn có thì dễ bị tăng nặng trong giai đoạn mang thai, nhất là triệu chứng có protein niệu. Nồng độ protein niệu là một minh chứng tổn thương thận và mức độ nặng của bệnh. Nếu với lập luận đó thì trong thời kỳ mang thai rõ ràng là bệnh thận bị nặng lên vì nồng độ protein niệu ngày càng tăng. Ngược lại, chính bệnh thận cũng tác động trở lại với thai kỳ. Một số biến chứng ở bà mẹ như sinh non, tiền sản giật và sản giật hay xảy ra hơn.

    Về bệnh tăng huyết áp thì mối liên quan càng phức tạp. Bản thân mang thai cũng có thể là một kích thích gây ra tăng huyết áp ở bà mẹ. Nếu như bà mẹ bị thêm bệnh đái tháo đường thai kỳ thì bệnh tăng huyết áp còn gia tăng cao hơn. Còn nếu như bà mẹ đã bị đái tháo đường sẵn có và đã có biến chứng tăng huyết áp sẵn có thì con số huyết áp sẽ tăng cao khi bà mẹ mang bầu. Điều đó có nghĩa là biến chứng tăng huyết áp ngày càng nặng hơn khi có thai và nó tác động trở lại với bà mẹ. Nó dẫn tới bà mẹ dễ bị các biến cố thai sản như tiền sản giật và sản giật, rau bong non.

    Đái tháo đường dù là trong thai kỳ hay trước thai kỳ đều là yếu tố gây ra các biến cố cho bà mẹ. Trước hết là sự liên quan giữa nồng độ đường trong máu và sản giật. Người ta đã theo dõi và nhận thấy rằng, các bà mẹ có nồng độ đường máu dưới 105mg/dl thì tỷ lệ sản giật là 7,8%. Nhưng nếu nồng độ đường máu trên 105mg/dl, tỷ lệ sản giật là 13,8%. Như thế rõ ràng là nồng độ đường máu càng cao càng dễ gây ra sản giật và đái tháo đường thai kỳ là nguy cơ cho biến cố cho mẹ.

    Bên cạnh đó là biến cố sảy thai. Sảy thai dường như có tỷ lệ cao hơn và dễ bị hơn nếu như bà mẹ bị đái tháo đường trong thai kỳ hay sẵn có từ trước thai kỳ. Ở đây, mức độ nặng của đái tháo đường tương quan thuận với tỷ lệ sảy thai. Nếu bị đái tháo đường trong thời kỳ mang thai thì tỷ lệ sảy thai ở bà mẹ là 9-14%. Nếu bị đái tháo đường nhưng kiểm soát đường huyết kém thì tỷ lệ sảy thai cao gấp đôi so với kiểm soát đường huyết tốt. Nếu như sự kiểm soát đường huyết kém kéo dài trên 10 năm thì tỷ lệ sảy thai có thể lên tới 44%. Do vậy, kiểm soát đái tháo đường trước mang thai và trong khi mang thai là chìa khoá an toàn cho bà mẹ.

    Tại sao lại có những nguy cơ này?

    Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này thực không dễ. Có nhiều giả thuyết đặt ra và một trong các giả thuyết đó là sự thay đổi hormon trong quá trình mang thai của bà mẹ.

    Trong quá trình mang thai, bà mẹ tiết ra nhiều hormon thai kỳ như progesteron, hCG, prolactin, leptin, aleptin, cortisol... Những hormon này có tác dụng kháng lại sự tác dụng của insulin. Vì thế bà mẹ dễ bị đái tháo đường khi mang thai.

    Lý giải nguyên nhân biến chứng trên bà mẹ khi bà mẹ bị đái tháo đường trước và trong thai kỳ, người ta cho rằng đó là tổn thương các vi mạch gây ra. Đái tháo đường làm hư hỏng lớp tế bào nội môi của thành mạch, làm tăng chuyển hoá và phân huỷ mỡ, làm tăng nhiễm axit và thể ceton trong máu. Những thay đổi này làm thành mạch nhỏ ở tất cả các cơ quan trở nên hẹp lại, giòn và dễ vỡ. Chúng sẽ là nguyên nhân trực tiếp gây ra tăng huyết áp vì làm tăng sức cản của thành mạch, làm gia tăng tổn thương thận và dễ làm mất protein qua nước tiểu.

    Trên cơ sở bà mẹ đã bị nhiễm độc thai nghén, bà mẹ lại bị rối loạn nội môi, nhiễm axit-ceton chuyển hoá nên dễ dàng bị nguy cơ các biến chứng thai kỳ. Sự thay đổi về áp suất thẩm thấu, sự thay đổi về cân bằng kiềm toan làm gia tăng biến chứng tiền sản giật và sản giật, làm gia tăng nguy cơ đẻ non vì tác động mạnh vào cơ trơn tử cung.

    Hiện tượng tăng đường máu ở bà mẹ làm tăng đường máu trong con. Vì đường dễ dàng đi qua hàng rào nhau thai. Khi đó, đường máu trong cơ thể thai nhi rất cao. Đây là một kích thích làm tăng sản xuất hormon insulin của thai nhi. Sự tác động của insulin trên thai nhi không chỉ làm gia tăng thâm nhập đường vào tế bào mà nó còn có tác động tổng hợp khác gây ra nhiều hiện tượng như tăng kháng insulin tiềm ẩn, tăng các nguy cơ bị rối loạn chuyển hoá của đứa trẻ sau khi sinh. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa hiểu tại sao đường máu cao trong cơ thể thai nhi lại có thể gây ra các dị dạng và các dị tật. Mối liên quan giữa các biến cố cho thai nhi và bệnh đái tháo đường ở bà mẹ là một điều vẫn chưa được rõ ràng.

    Có cần điều trị hay không?

    Với câu hỏi này, câu trả lời là tuỳ thuộc vào thể bệnh. Không phải cứ nhất thiết đái tháo đường với thai kỳ đều cần phải điều trị.

    Nếu như bà mẹ bị đái tháo đường trước mang thai thì nhất thiết phải điều trị và kiểm soát đường huyết tốt. Điều trị bằng thuốc hay bằng liệu pháp dinh dưỡng là do bác sĩ chỉ định và do thể bệnh của bệnh nhân. Chỉ biết rằng bạn hãy kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc trước 1 tháng so với thời điểm quyết định mang thai. Vì một số thuốc điều trị được coi là không an toàn với thai nhi.

    Nếu như bà mẹ bị đái tháo đường nhưng không phát hiện đến khi mang thai mới chẩn đoán ra thì việc điều trị hay không là tuỳ thuộc vào mức độ bệnh. Nếu như bà mẹ bị đe doạ bởi các nguy cơ cấp tính của đái tháo đường thì nhất định phải can thiệp. Vì khi đó tai biến tới tính mạng còn nguy hại hơn với tai biến do thuốc gây ra. Song nếu như nồng độ đường máu không cao (dưới 15mmol/l) thì có thể chưa cần can thiệp. Liệu pháp dinh dưỡng có thể cải thiện tình hình.

    Nếu như bà mẹ mang thai rồi mới bị đái tháo đường thì thông thường mức độ đường máu không cao. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường khó xảy ra. Cho nên việc điều trị có thể không cần tính đến. Song các biến chứng từ đái tháo đường trên thai kỳ thì dễ xảy ra. Đánh giá đúng và đầy đủ sức khoẻ thai kỳ sẽ quyết định lựa chọn giải pháp điều trị hay là không.

    Theo SKDS