• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Việt Phủ Thành Chương: Bảo tồn, kinh doanh và “tảng băng chìm”

    Câu chuyện “kinh doanh văn hóa” dường như được đặt ra một cách nghiêm túc tại Việt Phủ Thành Chương. Nhưng chưa hết, chủ nhân của cơ ngơi này đang ấp ủ dự định mới, hứa hẹn những bất ngờ.

    Câu chuyện “kinh doanh văn hóa” dường như được đặt ra một cách nghiêm túc tại Việt Phủ Thành Chương. Nhưng chưa hết, chủ nhân của cơ ngơi này đang ấp ủ dự định mới, hứa hẹn những bất ngờ.

    Ngô Hương: “Người làm văn hóa phải biết bình tĩnh vì những giá trị lâu dài”

    Tháng 2/2009, mốc thời gian quan trọng được đưa vào lịch sử của Việt Phủ Thành Chương (VPTC), là thời điểm khai sinh một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên “Việt Phủ Thành Chương”, mà bà Giám đốc chính là chị Ngô Hương - phu nhân của họa sĩ Thành Chương - chủ nhân của công trình nghệ thuật sắp đặt vô cùng đặc biệt này. Gần 2 năm trôi qua, Việt Phủ giờ đã mở cửa, bán vé đón cả triệu khách trong và ngoài nước, trở thành một điểm đến chính thức, hấp dẫn trong hành trình tham quan du lịch Thủ đô Hà Nội.

    Một ngày đầu năm 2011, tự thấy mình đã may mắn có được “thiên duyên” gắn bó với VPTC, Giám đốc Công ty TNHH Việt Phủ Thành Chương Ngô Hương đã có những bộc bạch với Doanh Nhân xung quanh vấn đề kinh doanh và bảo tồn văn hóa. Bởi lẽ, cũng như những công trình văn hóa khác, VPTC đã, sẽ tiếp tục là một địa chỉ văn hóa có giá trị và con đường khai thác, đầu tư, phát triển hoàn toàn không dễ dàng.

    Không kinh doanh bằng mọi giá

    - “Không dễ dàng” là điều dễ hiểu, khi một công trình văn hóa tầm cỡ thì người đứng bên cạnh công trình ấy không thể là “bất cứ ai”. Vậy, bản thân bà chủ Ngô Hương đã phải “lớn lên” như thế nào để không bị “lạc” giữa mênh mông VPTC? 

    Tôi sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Dù lớn lên trong khung cảnh đàn ca sáo nhị suốt ngày réo rắt bên tai, dù rất thích được sống trong không khí của hậu trường sân khấu trước giờ mở màn và thuở nhỏ cũng đã đôi ba lần vào vai quần chúng, thì rốt cuộc tôi cũng đã không chọn con đường làm diễn viên vì biết nếu đã làm nghệ thuật thì phải thật sự có tài năng. Tốt nghiệp cử nhân sư phạm ngoại ngữ, những năm 90, tôi cũng đã thử sức nhiều công việc khác nhau như làm việc tại KS Metropole, một văn phòng tư vấn đầu tư của Mỹ, làm phóng viên tự do dịch cho các báo, rồi về tờ Văn nghệ trẻ làm biên tập trang văn hóa văn nghệ, về NXB Kim Đồng làm biên tập kiêm PR… Từ năm 2009, tôi bắt đầu nhận công việc của công ty, và người giao việc là chồng tôi - họa sĩ Thành Chương. Anh ấy nói: “ Bây giờ anh đã xong việc, việc tiếp theo là của em”. Rất may là tôi đã sớm hình dung ra giá trị và tiềm năng rất lớn của những công trình, hạng mục trong VPTC và biết rằng để khai thác, phát triển cần có sự đầu tư, hỗ trợ lớn, chuyên nghiệp về nhiều mặt. Trở thành “đồng chủ nhân”, những dịp ra nước ngoài, tôi rất chịu khó tìm hiểu những cung cách người ta vận hành một công trình văn hóa, một bảo tàng ra sao… Với lại, anh Chương như một người thầy, tôi vỡ ra nhiều thứ khi ở bên cạnh anh ấy.

    - Thời điểm VPTC đang hoàn thiện, vai trò của chị có gì đặc biệt?

    Có thể nói, tôi gần như chẳng có đóng góp gì đáng kể. Hay nói đúng hơn, đóng góp lớn nhất của tôi là sự… im lặng và không can thiệp. Anh Chương là người có tính cách mạnh. Anh ấy tin tưởng vào việc mình đang làm, bất chấp mọi khó khăn. Có những lúc, tiền bán tranh không đủ, chúng tôi phải vay nặng lãi đủ kiểu mà không mấy ai biết. Đầu tư cho VPTC có lẽ là đầu tư không tính đếm nổi, một chỗ nuốt tiền khủng khiếp. Dẫu vậy, sự lạc quan của chồng đã khiến tôi không rơi vào cảm giác bị suy sụp ngay cả những lúc căng thẳng nhất. Dù sao đó cũng là một trải nghiệm không dễ dàng!

    - Làm “bà chủ” của Việt Phủ chắc không khó như chịu trách nhiệm quản lý, điều hành một VPTC không chỉ dừng lại là một “bảo tàng tĩnh”, một không gian văn hóa lắng đọng, mà còn bao gồm nhiều sự kiện sống động, nhiều đòi hỏi nhiêu khê, nhất là mảng kinh doanh, dịch vụ?

    Vấn đề là VPTC không kinh doanh bằng mọi giá! Từ năm 2009, VPTC vận hành một cách có kế hoạch. Đầu tư cái gì, cái gì lâu dài, cái gì từng bước. Bấy giờ, trong nhà có một “doanh nhân” phải “chiến đấu” với một nghệ sĩ: “Em thích, trân trọng những gì anh làm, nhưng có những việc phải thận trọng, thậm chí phải dừng lại…”. Có nhiều điều anh ấy sau đó nhận ra là tôi đã nói đúng. Tiềm lực kinh tế gia đình buộc chúng tôi phải biết “liệu cơm gắp mắm”, khi mà VPTC không chỉ là một bất động sản thông thường, một gia sản riêng… trị giá hàng chục triệu đô la. Chính giá trị vật chất và giá trị phi vật chất của công trình VPTC buộc những người muốn vận hành nó phải nghĩ tới việc khai thác, phát huy giá trị của nó. Kinh doanh là chuyện đến sau, ban đầu chúng tôi không nghĩ đến, nhưng là chuyện tự nhiên, chuyện phải đến, chuyện thường tình vì không thể mở cửa miễn phí mãi được như suốt 10 năm qua. Trên thế giới người ta đã làm thế, tôi đã đến những nơi như vậy và thích mê. VPTC hoàn toàn có khả năng tự nuôi mình, với những đòi hỏi khắt khe về không gian văn hóa, về môi trường, về chất lượng dịch vụ khép kín, ví dụ nhà hàng ăn, quầy bán đồ lưu niệm… lịch sự, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách trong và ngoài nước. Có lần, một đơn vị tham quan và liên hoan ở nhà hàng, rượu vào và “Zô” như thể VPTC không phải là Việt Phủ, liền sau đó tôi đã phải bổ sung vào nội quy: “Nói không với “Zô” và sẵn sàng không ký hợp đồng với những khách không cùng quan điểm!

    Vấn đề là cách ứng xử đối với một giá trị văn hóa

    Được biết, để bán vé vào cổng, VPTC có lúc cũng phải chạnh lòng khi không ít khách mặc nhiên cho rằng họ phải được quyền thưởng ngoạn văn hóa miễn phí, rồi văn hóa và kinh doanh là hai phạm trù không thể đứng cùng nhau?

    Mặc dù không nhiều nhưng chúng tôi cũng đã gặp một vài trường hợp như vậy. Thậm chí, có lúc đứng ở quầy vé, tôi nghe người ta nói: “VPTC có gì mà vé đắt thế”,  nhưng cũng có người trả gấp đôi tiền vé… Chúng tôi xác định, đã cung cấp dịch vụ là phải có lợi nhuận, vấn đề đặt ra là cách ứng xử đối với một giá trị văn hóa như thế nào? Thêm đầu việc là mệt, nhưng tôi vẫn không thấy quá phức tạp so với sức mình. VPTC luôn biết “ai là ai” để đáp ứng mong muốn của khách. Có đoàn khách cao cấp yêu cầu được có người hướng dẫn, VPTC mời hẳn những chuyên gia có tên tuổi…

    - Nhân tố con người tại các công trình văn hóa lâu nay chưa được coi trọng một cách triệt để, hầu hết họ mới chỉ là người làm công ăn lương, chứ chưa phải là “người làm văn hóa”. Chị nghĩ gì về điều này?

    Tôi đồng ý với việc đánh giá yếu tố con người là quan trọng nhất. Việc đào tạo họ vô cùng khó khăn. Tôi chỉ xin kể một việc nhỏ: Tại VPTC, có lần tôi đã nói với người gác cổng rằng, sẽ tăng lương thêm 200 ngàn đồng mỗi tháng nếu biết… cười với khách đến tham quan. Thế mà khoản tiền ấy vẫn không dễ để chi!

    Làm văn hóa phải bình tĩnh

    - Đến lúc này, chị thấm thía thế nào về mấy chữ “kinh doanh văn hóa”, và VPTC có hay không triết lý kinh doanh của riêng mình?

    Như mọi hoạt động kinh doanh khác, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa cũng phải đúng luật và nộp thuế đầy đủ, chỉ có cái khác là phải hiểu và yêu công việc có tính chất văn hóa mà mình đang làm để có thể khai thác nó một cách văn hóa nhất chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm tích lũy tiền của cho riêng mình. Khi ai đó điên cuồng vì những lợi ích nhìn thấy được, người làm văn hóa phải biết bình tĩnh vì những giá trị lâu dài, dù rằng như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn và cần sự đồng cảm của xã hội.

    Một điều có thể thấy rõ, làm văn hóa theo kiểu “bỏ tiền túi” như ở VPTC về lâu dài vẫn sẽ là những trường hợp hy hữu…

    Họa sĩ Thành Chương mong muốn sẽ làm một VPTC của thời hiện đại với những câu chuyện như “Khắc nhập khắc xuất”, với quan niệm về “Ngũ phúc” kim - mộc - thủy - hỏa - thổ chẳng hạn.

    Tôi nhớ, nhà phê bình Nguyễn Quân từng cho rằng, các doanh nghiệp thành công phải có quỹ đóng góp cho văn hóa. Bảo trợ cho văn hóa, làm “Mạnh Thường Quân” cho văn hóa là cần thiết, nếu không làm gì có thời kỳ phục hưng trong nghệ thuật, những nghệ sĩ tài danh, những tác phẩm sống cùng thời gian… Ở nước ngoài, những bảo tàng lớn đều nhận được sự bảo trợ. Tôi biết đây là một vấn đề khó, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. VPTC đã hoạt động nhưng vẫn phải tiếp tục làm gì để xứng đáng với tiềm năng của nó, vẫn phải tiếp tục bảo tồn và đầu tư với ý thức là đầu tư cho văn hóa, một đóng góp có chiều sâu, thật sự bền vững và nhân văn, cho dù lợi nhuận có thể không đến ngay như việc đầu tư làm khách sạn hay khu nghỉ dưỡng. Văn hóa còn thì đất nước còn, vì đó là nơi gợi cho chúng ta lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chúng ta đều biết và tin chắc điều đó… Trước mắt, chúng tôi muốn có sự hợp tác, nâng cấp để việc quản lý được chuyên nghiệp hơn. Audio guides (hướng dẫn du lịch qua băng ghi âm-PV) là một trong những phương thức tuyệt vời mà chúng tôi đang tính toán để áp dụng vào VPTC, để chuẩn hóa khâu hướng dẫn tham quan bằng tai nghe, với các thứ tiếng khác nhau mà không sử dụng nhân công… Nếu muốn nghĩ xa hơn, làm việc gì khác cho lâu dài hơn, có lẽ phải tìm những đối tác thật sự tâm huyết!

    Ý tưởng hiến tặng VPTC và có thêm VPTC thứ hai

    Điều đó có nghĩa, câu chuyện VPTC sẽ còn dài dài…

    Gọi tên chính xác đó là câu chuyện bảo tồn. Nhiều người đến, đã “gặp” nhiều đồ vật vốn quen thuộc, gần gũi, thân thiết trong đời sống người Việt mình, thấy sao đặt ở VPTC lại đẹp thế, gây xúc động đến thế. Có người hỏi có bán VPTC không? Có người còn đặt ra giả thiết 50 năm nữa VPTC sẽ ra sao…? (cười). Chúng tôi đã nghĩ đến việc, cũng có thể VPTC sẽ được hiến tặng 100% hoặc một phần cho Nhà nước, cho hậu thế. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là lúc đó có thể gửi gắm VPTC vào nơi mà mình thấy xứng đáng nhất, có thể yên tâm nhất. Người mẹ nghèo có thể yêu con theo cách của mình, ví dụ chịu xa con để con được vào chỗ tốt hơn!

    - Liệu rằng sẽ có một VPTC nữa không? Là nhà “kinh doanh văn hóa”, chị thực hiện vai trò đầu tư ý tưởng, khuyến khích sáng tạo như thế nào?

    Rất có thể sẽ có một VPTC khác, hoàn toàn khác. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VPTC sẽ còn triển khai nhiều ý tưởng đẹp và hay. Họa sĩ Thành Chương nói, anh đưa văn hóa người Việt cổ vào VPTC là bảo tồn, tôn vinh truyền thống, là “biến hiện thực thành giấc mơ”. Trong đầu anh ấy lắm thứ lắm. Anh ấy vẫn vẽ và đang ấp ủ một đợt tranh mà tôi tin rằng, khi ra mắt nó sẽ gây “sốc” cho nhiều người. Mong muốn của anh ấy bây giờ là “biến giấc mơ về tương lai thành hiện thực”, có nghĩa là sẽ làm một VPTC của thời hiện đại, như trong truyện khoa học viễn tưởng vậy, nhưng lại rất Việt Nam, với những câu chuyện như “Khắc nhập khắc xuất”, với quan niệm về “Ngũ phúc” kim - mộc - thủy - hỏa - thổ chẳng hạn… Ở đó, quan niệm về không gian của người Việt sẽ được mở ra cùng với những thành tựu mới nhất của công nghệ tiên tiến, không còn là nơi lấy lại những gì vốn có của cha ông, mà là nơi đón nhận văn minh thế giới, theo một hình thức hoàn toàn mới. Tôi thấy đó là một ý tưởng tuyệt vời và hoàn toàn có tính cạnh tranh vì nó thực sự mới, không nhất thiết cạnh tranh là phải đi vào những cái thật to, thật hoành tráng mà là phải biết chọn những gì là mới, độc đáo, không ai có, là đỉnh cao… VPTC hiện đại sẽ cho thấy cách sống, cách tư duy, hưởng thụ của người Việt hiện đại, vừa mới mẻ nhưng vẫn truyền thống, nơi tinh thần văn hóa Việt sẽ vượt lên, không còn loanh quanh, nôm na, dân gian như cũ. Có người cho là làm thế quá mâu thuẫn với tính cách Thành Chương. Nhưng tôi rất tâm đắc!

    - Xin cảm ơn chị!

    (Theo Kim Hoa // Diễn đàn doanh nghiệp)