Quan âm Phật đài ở Bạc Liêu
Về Bạc Liêu, viếng thăm những di tích, danh thắng của vùng đất có nhiều giai thoại hấp dẫn là chuyến đi nhiều thú vị. Từ ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu nổi tiếng ăn chơi cho đến khu di tích nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang, khởi nguồn cho những bài ca vọng cổ và nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử.
Khách hành hương chiêm bái Quan Âm Phật đài Bạc Liêu quanh năm. Ảnh: Bảo Thư |
Về Bạc Liêu, viếng thăm những di tích, danh thắng của vùng đất có nhiều giai thoại hấp dẫn là chuyến đi nhiều thú vị. Từ ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu nổi tiếng ăn chơi cho đến khu di tích nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang, khởi nguồn cho những bài ca vọng cổ và nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử. Nhưng chùa Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu là điểm đến không thể thiếu trong chuyến du hành về xứ biển Bạc Liêu.
Bạc Liêu có vị trí tiếp giáp vùng đất biển mũi Cà Mau. Những dòng hải lưu Bắc - Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu, giáp với biển Đông. Bạc Liêu cách TPHCM 300km, cách Cần Thơ 120km theo quốc lộ 1A trên đường đi Cà Mau.
Vượt đoạn đường nhựa từ trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8km, bằng ô tô hay xe máy, du khách sẽ đến với Quan Âm Phật đài tọa lạc tại phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Chùa nổi tiếng với pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 11 mét, đứng uy nghi giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra biển. Tượng Phật Bà được khởi công xây dựng từ năm 1973, do hoà thượng Thích Trí Đức đứng ra chủ trì và hoàn thành vào đầu năm 1975. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua mấy chục năm, do sự bồi đắp của phù sa, bờ biển lùi ra nên vị trí tượng đài ngày nay đã cách xa biển gần 400 mét.
Mặt trước điện Thiên Thủ. Ảnh: Bảo Thư |
Bên trong điện Thiên Thủ. Ảnh: Bảo Thư |
Điện Địa Tạng. Ảnh: Bảo Thư |
Công trình chùa Quan Âm Phật Đài bao gồm nhiều hạng mục. Từ cổng tam quan đi vào là cổng trời; tiếp theo bức bình phong Hàng long, Phục hổ; kế đến là đại điện với cột phướn cao 49 mét; pho tượng Quán Âm lộ thiên ngự trên toà sen hình bát giác; bên phải tượng là điện Thiên Thủ, phía trước có Phổ Đà sơn; bên trái tượng là điện Địa Tạng, phía trước có đền Tiêu Diện Đại Sĩ; trước sân lễ có bức bình phong Phục hổ, nối tiếp là 32 tượng bồ tát hoá thân; giảng đường, nhà nghỉ, khu trưng bày triển lãm, nhà lưu niệm, phòng phát hành, các cơ sở phục vụ, hệ thống đường sá, cây cảnh, bờ tường bao quanh…
Các ngày lễ, vía Quán Thế Âm luôn đông đảo khách hành hương khắp nơi đổ về. Ảnh: Bảo Thư |
Tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Ảnh: Mai Lý |
Hằng năm, vào các ngày lễ, du khách đến chùa rất đông, nhất là vào lễ vía Quán Thế Âm trong ba ngày 19 tháng Hai, 19 tháng Sáu, 19 tháng Chín (âm lịch) và trong ba ngày vía Bà từ 22 đến 24 tháng Ba (âm lịch). Lễ hội có nhiều nghi lễ truyền thống như lễ cầu quốc thái dân an, phật tử dâng hương cầu an, tế anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp... đêm đến có chương trình văn nghệ, hát bội...
Đứng trước tượng Phật Bà thắp hương, lòng thành kính khấn nguyện những điều tốt lành cho những người thân, du khách sẽ thấy tâm hồn mình như bình yên, thanh thản khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga lan tỏa trong làn gió biển mát lành tinh khôi.
Gần khu Quán Âm Phật đài có nhiều nhà trọ và quán ăn phục vụ khách hành hương. Trong khuôn viên chùa có dãy lều trại dành cho khách ở xa tạm nghỉ. Trong những ngày lễ, các hàng quán ở đây mở cửa suốt ngày đêm. Chung quanh, bên ngoài Quán Âm Phật đài có nhiều quầy hàng, bán đủ các loại vật dụng cần thiết cho du khách cùng những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật.
Quan Âm Phật đài là địa chỉ hấp dẫn đối với khách hành hương, du lịch mang sắc màu văn hóa tâm linh của Phật giáo Bắc tông. Mỗi năm, có gần 500 ngàn lượt khách các nơi về đây chiêm bái. Đông nhất là từ sau tết Nguyên Đán đến hết tháng Tư âm lịch.
(Theo Thesaigontimes)