Gương hậu: Một người và mọi người
D'Artagnan là hậu duệ của một dòng dõi quý tộc đã sa sút ở xứ Gascony, nước Pháp thế kỷ thứ 17. Năm 18 tuổi, D'Artagnan đến kinh thành để gia nhập đội ngự lâm quân của vua Louis XIII. Tại kinh thành, D'Artagnan lần lượt đụng độ và thách đấu với ba ngự lâm quân khác là Athos, Porthos và Aramis.
Những lúc vắng khách, thợ vá xe Võ Văn Hoàng lại phơi mình đứng cạnh tấm biển để trực tiếp hướng dẫn người đi đường. |
D'Artagnan là hậu duệ của một dòng dõi quý tộc đã sa sút ở xứ Gascony, nước Pháp thế kỷ thứ 17. Năm 18 tuổi, D'Artagnan đến kinh thành để gia nhập đội ngự lâm quân của vua Louis XIII. Tại kinh thành, D'Artagnan lần lượt đụng độ và thách đấu với ba ngự lâm quân khác là Athos, Porthos và Aramis.
Đến các buổi hẹn đấu kiếm, D'Artagnan thấy ba người kia đi cùng nhau, họ là bạn thân. Cuộc chiến diễn ra và sau đó, D'Artagnan trở thành bạn thân của ba chàng lính ngự lâm kia. Họ kết bạn với nhau theo phương châm “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Đến đây, lại nhớ câu chuyện về ông Võ Văn Hoàng làm nghề vá xe dưới chân cầu đường Trần Xuân Soạn, quận 7, Tp.HCM. Hằng ngày phải chứng kiến không ít người lao vào ngõ cụt dưới chân cầu do không có biển chỉ dẫn, ông Hoàng suy nghĩ và đã “phát minh” ra giải pháp cắt bìa carton làm biển chỉ báo giao thông thủ công. Thế là đã có biển báo, khổ nỗi chẳng mấy ai để ý mà theo. Rốt cuộc, những lúc vắng khách, ông lại phơi mình đứng cạnh tấm biển để trực tiếp hướng dẫn.
Ngẫm ra mới thấy, chẳng phải vô cớ mà ở câu nói bất hủ trong cuốn tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm”, nhà văn Pháp Alexandre Dumas cha lại xếp vế “một người vì mọi người” lên trước, còn “mọi người vì một người xuống sau”. Kỳ thực thì nếu sa đà phân tích và so sánh sẽ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn con gà và quả trứng. Song nhìn từ góc độ nhân văn, với văn hóa giao thông chẳng hạn, sự sắp xếp ấy có lẽ sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ùn tắc và tai nạn giao thông ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, đã trở thành vấn nạn. Mà như so sánh của nhiều người, qua nhiều năm diễn ra và ngày càng trầm trọng, nó gây thiệt hại còn lớn hơn cả khủng hoảng kinh tế, nó khiến số người chết và bị thương còn khủng khiếp hơn cả một cuộc chiến tranh. Giải quyết vấn nạn ấy, song song với luật định cùng hàng loạt giải pháp mang tính quy tắc, cưỡng chế thì bây giờ, một giải pháp có lẽ là căn bản nhất chính là xây dựng và phát triển văn hóa giao thông ở mỗi con người.
Vì sao vậy?
Hằng ngày đi làm trên những cung đường Hà Nội vừa ùn tắc liên miên, vừa ô nhiễm không khí, vừa ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng, người viết nhận thấy một nguyên nhân rất lớn là xuất phát từ sự vô ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông của nhiều người.
Khi lưu lượng giao thông lớn, chỉ cần một xe chen ngang bất kể hai bánh hay bốn bánh là có thể dẫn đến ùn tắc cục bộ. Khi đèn hiệu giao thông đã đỏ, chỉ cần vài người cố vượt là lập tức xuất hiện nguy cơ ùn tắc hoặc tai nạn. Rồi thì chuyện lấn làn, leo lề, bấm còi inh ỏi, thậm chí sáng sớm ra đường thấy cả đống phế thải chình ình do ai đó đổ trộm… vẫn hằng ngày, hằng giờ diễn ra.
Nếu mỗi người khi tham gia giao thông đều vì mọi người, mà xét cho cùng chính là vì bản thân mình, thì ùn tắc, tai nạn giao thông bây giờ chẳng thành vấn nạn, chẳng thành bài toán khiến các nhà chức trách đau đầu, khiến ngành công an và giao thông phải đề xuất, đưa ra cả mớ giải pháp… loay hoay, tốn kém.
Người viết cứ đau đáu mãi khi nghĩ về thói ích kỷ đã được đề cập trong cuốn “Người Việt – Phẩm chất và thói hư, tật xấu” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Ngẫm kỹ thì kỳ thực, sâu thẳm trong mỗi người đều tồn tại thói ích kỷ. Song điều quan trọng là nó cần được kiềm chế qua giáo dục, cần được triệt tiêu hoặc làm yếu đi bởi những phẩm chất tốt lớn hơn. Và khi thói ích kỷ được kiềm chế, hẳn mỗi người sẽ biết vì mọi người, để rồi mọi người sẽ vì một người.
Gần đây, nhiều bảng điện tử đã được “trồng” bên những con phố lớn ở Hà Nội với những khẩu hiệu chung chung. Lại nghĩ, thay vì những khẩu hiệu chung chung thì nên trưng những tấm biển có nội dung cụ thể mà thỉnh thoảng cũng thấy ở vài con phố như văn hóa giao thông là không lạm dụng bấm còi, không lấn làn, không vượt phải… Thậm chí cần hơn nữa, có thể tuyên truyền làm sao để chạm vào lòng tự ái, tự tôn của mỗi người.
Suy rộng ra, giải pháp căn cơ và hữu hiệu, lâu bền nhất chính là giáo dục, xây dựng nền tảng văn hóa, tư tưởng đối với mỗi người. Nó không chỉ đúng cho riêng câu chuyện văn hóa giao thông mà cả những lĩnh vực khác, cao hơn là cho một xã hội phát triển.
Người viết xin mượn ý tại bản thảo một bài viết của PGS.TS Ngô Doãn Vịnh về xây dựng tinh thần và tâm lý phát triển đất nước vừa may mắn được đọc để làm lời kết. Theo PGS.TS Ngô Doãn Vịnh, muốn đất nước phát triển, trước hết người dân phải có tinh thần phát triển, tâm lý phát triển và công cuộc phát triển quốc gia phải có văn hoá đặc sắc. Bởi cái gốc của con người là cái “Tâm” và cái gốc của phát triển là con người.
Nhưng để làm được việc đó, thì trước hết, một người hãy biết vì mọi người và mọi người cũng cần vì một người.
(Theo Vneconomy)