Gương hậu: Nửa mừng, nửa lo
Thấy chiếc xe cứ băn khoăn, ậm ạch cả tháng trời khiến cho công việc đi lại, làm ăn cũng trắc trở theo, anh chủ liền hỏi: “Rốt cuộc là cậu mắc bệnh gì để tớ chạy chữa? Cứ âu âu lo lo mà cũng chẳng ra âu lo như cậu, tớ mệt mỏi lắm”.
Những băn khoăn giữa chủ sở hữu và chiếc xe về chuyện có thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hay không - Ảnh: Đức Thọ. |
Thấy chiếc xe cứ băn khoăn, ậm ạch cả tháng trời khiến cho công việc đi lại, làm ăn cũng trắc trở theo, anh chủ liền hỏi: “Rốt cuộc là cậu mắc bệnh gì để tớ chạy chữa? Cứ âu âu lo lo mà cũng chẳng ra âu lo như cậu, tớ mệt mỏi lắm”.
- Chuẩn không nên chỉnh! Em cũng chẳng biết mình đang mừng hay đang lo nữa. (Chiếc xe hồ hởi như cởi tấm lòng).
- Nhưng nguyên cớ là làm sao mới được chứ?
- Chậc, bác lại hỏi em. Bác tự tìm hiểu bản thân bác ấy.
- Ơ hay cái cậu này, lần nào nói chuyện với cậu cũng tức anh ách, vòng vo tam quốc mất thời giờ. Tóm lại là hà cớ gì cậu đâm ra “dở hơi” như thế?
- Em dở hơi thật đây. Bác thử đi hỏi các vị lãnh đạo ngành giao thông xem rốt cuộc các bác ấy có thu cái món phí hạn chế chúng em không để em còn biết đường ứng xử cho phải phép. Cứ nửa vời mãi, chúng em mệt lắm.
- Ờ ờ…
- Gr..ư..ừ..m. Là thế nào ạ?
- Ờ thì chính tớ cũng đang nửa mừng, nửa lo đây.
- Bác nói chuyện mừng trước em nghe xem có “trùng máu” không nào?
- Thì cái khoản phí ấy, nó vừa cao, vừa không hợp thời mà kiểu thu cũng thiếu hợp lý. Ngắn gọn là Thiên không thời, Địa không lợi, Nhân không hòa. Chúng tớ kêu mãi rồi, nhưng e là không đủ độ “thấm” cho lắm. Vậy nên, chúng tớ cũng đã yêu cầu các bác "nghị" phân tích rạch ròi những điều hơn lẽ thiệt đến các bác bên ngành giao thông. Mừng là có vẻ các bác "nghị", là người đại diện cho nhân dân chúng tớ, cũng không đồng tình món phí ấy lắm.
- Các bác "nghị" không đồng tình là đáng mừng ạ?
- Đúng đúng. Vì loại phí này phải được các bác ấy đồng ý mới được thu, không như cái phí bảo trì.
- Vậy lo là thế nào?
- Vì ngành giao thông vẫn tỏ ý quyết tâm thu. Mới hôm nọ bác “tư lệnh” giao thông có nói là chưa thể thu trong năm nay vì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thêm phương án. Có nghĩa là vẫn sẽ cố gắng thu, chỉ là bao giờ thu và thu thế nào thôi.
- Hay nhỉ?! Các bác ấy chẳng rõ ràng gì cả, thu là thu, không thu là không thu, để chúng ta còn biết đường tính kế chứ. Mọi sự bất hợp lý đều khá rõ ràng rồi còn gì. Quan trọng là chúng mình không đồng tình thì thu cũng chẳng… hay lắm.
- Biết thế. Nhưng làm chính sách cũng lắm cái khó cậu ạ.
- Khó gì thì khó chứ khó lòng dân là hỏng. Thời buổi này, các bác thì đói cơm khát nước, chúng em thì đói xăng khô dầu, lại thu phí nữa thì “đắp chiếu” cả lút.
- Cậu làm tớ băn khoăn quá. Thôi cứ thư thư để các bác ấy nghiên cứu cho kỹ, chắc cũng tìm ra giải pháp hợp lý. Ngân sách khó khăn, đường sá thì xuống cấp, đi lại thì ách tắc, các bác ấy cũng đau đầu lắm chứ. Phải thông cảm cậu ạ.
- Bác là nhu nhược lắm lắm. Đường xuống cấp là tại mấy ông quá khổ quá tải; ùn tắc liên miên, tai nạn dồn dập là do mấy ông tài lái ẩu, vô ý thức, kém văn hóa, coi thương luật lệ… chứ có phải như em với bác đâu. Mà nói chuyện ngân sách em càng không đồng tình. Đành rằng thiếu ngân sách nên phải thu tiền của chúng mình để làm đường, để chống ùn tắc, tai nạn. Thế mà trong khi nhà các bác đang dột vẫn phải cố chui ra chui vào, vẫn còn khối người phải ngủ đầu đường xó chợ để kiếm ăn từng bữa, các bác ấy lại đòi xây trụ sở tốn đến cả trăm nghìn tỷ đồng thì đến chịu.
- Xì-tốp, cậu hơi sa đà, quá giới hạn rồi đấy!
- Cơ mà em bức xúc lắm.
- Nhịn đi, bình tĩnh tìm giải pháp.
- Phải phải. Nhân chuyện bác nói đến giải pháp, em chợt nảy ra một kế.
- Kế gì?
- Là em với bác chia tay từ đây. Bác đi xin trợ cấp thất nghiệp sống qua ngày, em hết sức bình sinh mò lên Thái Nguyên đầu thai làm thép xây dựng. Thế là lành cho cả đôi.
- Trời đất!
(Theo Vneconomy)