• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Bác sỹ tư vấn sức khỏe mùa thi

    Tâm lý căng thẳng, học thâu đêm trước ngày thi đại học thường khiến sĩ tử đau đầu, đau bụng, thậm chí mỏi mệt, chán ăn, suy nhược cơ thể. Hai bác sĩ Lê Thị Hải và Tô Đức Thuận đã giải đáp những băn khoăn lo lắng liên quan đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của các thí sinh.

    Tâm lý căng thẳng, học thâu đêm trước ngày thi đại học thường khiến sĩ tử đau đầu, đau bụng, thậm chí mỏi mệt, chán ăn, suy nhược cơ thể. Hai bác sĩ Lê Thị Hải và Tô Đức Thuận đã giải đáp những băn khoăn lo lắng liên quan đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của các thí sinh.

    - Chào bác sĩ, mắt cháu không bị cận nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây cháu học một hồi là mắt lại bị mỏi, có cảm giác khô, chỉ muốn nhắm mắt lại. Cháu có thể khắc phục tình trạng này bằng cách nào ạ? (Quang Tùng, 18 tuổi, TP HCM)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Hiện tượng này là do mắt của cháu phải điều tiết quá nhiều trong lúc học bài, không chỉ là đọc sách học bài mà trong tất cả các trường hợp mắt phải tập trung nhiều và quá lâu vào một nơi như đọc báo, xem tivi, làm việc bên màn hình máy tính… đều có thể làm cho mắt có cảm giác mỏi và khô. Tình trạng này không chỉ làm cho cháu đau đầu, giảm khả năng tập trung mà nếu để kéo dài có thể gây ra một số biến chứng cho mắt. Cháu có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để giúp mắt điều tiết tốt hơn:

    - Cho mắt nghỉ giải lao 5-10 phút sau mỗi 2 giờ học bài hoặc tập trung vào làm những việc mà mắt phải điều tiết nhiều.

    - Nhỏ mắt hằng ngày bằng các loại thuốc nhỏ mắt có thành phần an toàn và có hiệu quả làm giảm khô mắt, mỏi mắt như: Osla, nước muối sinh lý…

    Bên cạnh đó, cháu cần có chế độ ăn tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: các loại củ quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, bí đỏ, cà chua, dầu gấc… và các loại rau có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, mùng tơi, rau đay…

    - Thời gian gầy đây mỗi buổi sáng ngủ dậy mắt cháu thường có rất nhiều ghèn, khó mở mắt nhìn lem nhem khó chịu. Bác sĩ cho cháu hỏi, thế là mắt cháu bị làm sao? (Xuân Mai, 18 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Chào cháu. Hiện tượng mắt có nhiều ghèn sau ngủ dậy có khả năng lớn là do cháu bị viêm kết mạc. Nguyên nhân gây viêm kết mạc thì có rất nhiều. Có thể là do virus, vi khuẩn… Có những loại viêm kết mạc có thể tự khỏi nếu người bệnh chăm sóc, vệ sinh mắt tốt, nhưng cũng có một số phải điều trị.

    Trước hết, cháu cần dùng nước ấm hòa với nước muối loãng tẩm vào bông vô trùng để lau bên ngoài mắt. Biện pháp này hơi mất thời gian và không đảm bảo vệ sinh nên nếu có điều kiện, cháu nên dùng một số chế phẩm nhỏ mắt như nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt Osla để rửa mắt hằng ngày. Hằng ngày, cháu cần rửa mặt bằng nước sạch, chậu riêng, không dùng chung khăn mặt với người khác. Khi đi ra ngoài, cần phải đeo kính để tránh bụi và lây nhiễm sang người khác.

    Nếu tình trạng mắt không đỡ đi sau 2-3 ngày thì cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

    - Thưa bác sĩ, mỗi khi có việc gì lo lắng, căng thẳng cháu thường bị đau bụng nên cháu rất lo nếu vào phòng thi mà lại bị đau bụng thì không tập trung làm bài được. Bác sĩ có thể cho cháu biết cháu nên chữa chứng đau bụng này như thế nào? (Lê Phương, 18 tuổi, Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Khi lo lắng, căng thẳng do tâm lý thi cử thường gây đau bụng, bởi lúc đó có hiện tượng cường thần kinh phó giao cảm dẫn đến tăng nhu động ruột, cháu có biểu hiện đau bụng, thậm chí đi ngoài. Theo bác sĩ, trước khi thi, cháu không nên căng thẳng nhiều về kết quả thi cử. Còn nếu biểu hiện đau bụng ảnh hưởng nhiều thậm chí ảnh hưởng đến tiêu hóa, cháu có thể sử dụng một số thuốc làm giảm nhu động ruột, có thể hạn chế đến tiêu chảy như sản phẩm Grafort, Diosmectite.

    - Kính thưa bác sĩ. Khi gần tới ngày thi cháu thường có tâm lý lo âu, ăn uống kém, không có hứng thú với bất cứ cái gì. Vậy cháu phải làm gì? (Mai Phuong, 17 tuổi, Thành Công, Hà Nội).

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Việc ăn uống kém thường do cháu căng thẳng nhiều ảnh hưởng đến việc tiết dịch vị, tâm lý dẫn đến kém tiêu hóa, mệt mỏi, thậm chí suy nhược cơ thể. Khi đến mùa thi các cháu thường hay học quá nhiều dẫn đến căng thẳng thần kinh lo âu. Theo bác sĩ cháu nên phân bổ thời gian biểu hợp lý kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn. Cháu nên ăn đúng bữa, thức ăn dễ tiêu hóa như cá, rau xanh, hoa quả tươi sau bữa ăn. Cố gắng ngủ 6-7 tiếng mỗi ngày. Như thế cháu có thể giữ sức khỏe tốt để học tập. Chúc cháu có một kỳ thi tốt.

    - Em chuẩn bị thi, rất bận, chỉ học bài vào buổi tối từ 8 giờ trở đi, buổi sáng 4-6h. Xin bác sĩ tư vấn nên ăn uống như thế nào và có toa thuốc bổ nào có thể hỗ trợ để có sức khoẻ? (Hồng Hà, 18 tuổi, Xuân Trường, Nam Định)

    - Bác sĩ Thuận: Em học nhiều về đêm, giờ mà cơ thể cần nghỉ ngơi vì thế em nên ăn những đồ ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, hấp thu nhanh như uống sữa, ăn cháo, súp. Nếu học nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mỏi mắt do làm việc, điều tiết quá nhiều, em có thể sử dụng một số sản phẩm có tác dụng dưỡng mắt, nước mắt nhân tạo. Như vậy sẽ giúp cho việc tập trung học tập tốt hơn. Theo bác sĩ, em chưa cần phải dùng thuốc. Chúc em có sức khỏe tốt để chuẩn bị một kỳ thi thành công.

    - Có thể ăn loại thực phẩm nào hoặc uống thêm thuốc gì để tăng cường trí nhớ và độ dẻo dai ôn thi? Em gái em đang ôn thi mà cô bé này rất hay mất bình tĩnh, có loại thực phẩm hoặc thức ăn nào để "củng cố tinh thần" cho cô bé không ạ? (Nguyen Thi Nhan, 21 tuổi, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Tất cả các loại thực phẩm đều chứa chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thì sẽ cảm thấy khỏe, không mệt mỏi, lúc đó trí nhớ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khi học nhiều thì não cần nhiều glucoza hơn để đốt cháy năng lượng kịp thời cho não. Vì vậy, bạn có thể cho em ăn những thức ăn có chứa nhiều đường glucoza như sữa, các món ăn dễ tiêu hóa, hấp thu nhanh như súp, cháo... Nên uống các loại nước ép quả tươi như: nước cam, quýt, bưởi... vừa cung cấp đường Fructoza vừa cung cấp các loại vitamin nhất là vitamin C vừa chống mệt mỏi vừa tăng sức đề kháng.

    Vấn đề hay mất bình tĩnh là do cơ địa bị cường thần kinh giao cảm. Vì vậy, không có loại thực phẩm nào giúp em bạn đỡ mất bình tĩnh cả. Cái này là do tự rèn luyện, nếu bạn ôn thi tốt, có kiến thức vững vàng thì sẽ tự tin hơn khi bước vào phòng thi và sẽ không mất bình tĩnh.

    - Chào bác sĩ. Cháu bị cận thị và sử dụng kính áp tròng đã 6 tháng. Nhưng sao gần đây cháu thấy mắt có hiện tượng bị xốn, có lúc hơi đỏ. Có phải cháu bị như vậy là do mang kính áp tròng không. Bác sĩ tư vấn cho cháu với. Có thuốc nào giảm tình trạng này không thưa bác sĩ. (Hồng Hải, 18 tuổi, Đà Nẵng)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Sử dụng kính áp tròng, phải tuân theo quy tắc vệ sinh ngặt nghèo như vệ sinh mắt thường xuyên, tránh để bụi giữa kính và giác mạc. Trường hợp cháu bị xốn mắt hoặc đỏ mắt có thể do bị bụi giữa kính áp tròng và giác mạc. Để tránh cháu nên sử dụng một số thuốc nhỏ mắt có tính chất dưỡng mắt, sát trùng nhẹ để chống viêm đỏ như: Osla, Natriclorid 0,9%.

    - Thưa bác sĩ, cháu thường bị đau bụng, tiêu chảy sau mỗi bữa ăn. Xin bác sĩ cho cháu biết cháu bị bệnh gì? Cháu lo lắng nếu vào phòng thi mà bị thì nguy quá, có cách nào can thiệp kịp thời không? (Phương Nga, 18 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Chào cháu, triệu chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy sau bữa ăn thường liên quan đến một số bệnh lý như: hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày, bệnh Crohn, viêm đại tràng mãn hoặc cũng có thể do chế độ ăn không hợp vệ sinh bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm hóa chất độc hại, thức ăn bị ôi thiu hoặc ăn một chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo.

    Cháu cần nói rõ hơn về tình trạng của mình như thời gian kéo dài của bệnh, tính chất của phân, số lần đi trong ngày và có kèm theo các dấu hiệu mất nước như: khát nước, đi tiểu ít, môi khô hay không. Để biết chính xác nguyên nhân thì tốt nhất cháu nên đến các cơ sở chuyên khoa về tiêu hóa để được khám lâm sàng cũng như làm các xét nghiệm như xét nghiệm phân, soi trực tràng, soi dạ dày để chẩn đoán chính xác nguyên nhân của bệnh.

    Trong những trường hợp cháu đi tiêu chảy quá nhiều, dẫn đến tình trạng mất nước như: môi khô, khát nước, đi tiểu ít… thì cháu cần phải uống ngay các dung dịch nước bù điện giải như: oresol, hydrid… Và có thể dùng một số thuốc giảm triệu chứng tiêu chảy với cơ chế tác dụng tại chỗ vừa an toàn vừa mang lại hiệu quả điều trị cao như Grafort, diosmectite…

    Đồng thời có chế độ ăn hợp lý làm giảm tiêu chảy, nên ăn cháo nấu súp cà rốt, khoai tây, thịt gà. Nên ăn nhiều bữa trong ngày, tránh uống các loại nước ngọt có gas, nước có nhiều đường và các thực phẩm khô khó tiêu như: đậu, đỗ, ngô nguyên hạt…

    - Mỗi khi có việc gì lo lắng, căng thẳng là cháu thường bị đau bụng nên cháu rất lo lúc nếu vào phòng thi mà lại bị đau bụng thì không tập trung làm bài được. Bác sĩ có thể cho cháu biết cháu nên chữa chứng đau bụng này như thế nào không ạ! Xin cảm ơn bác sỹ. (Đỗ Hồng Thủy, 17 tuổi, Bắc Giang)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Tình trạng cháu hay bị đau bụng khi căng thẳng và lo lắng là do cháu bị cường thần kinh giao cảm, gây tăng co bóp nhu động ruột, dẫn đến đau bụng, đi ngoài. Để giảm bớt tình trạng này, cháu có thể dùng các loại thuốc làm giảm co bóp của nhu động ruột và dạ dày như: thuốc an thần, Grafort... Quan trọng là cháu không nên quá lo lắng và căng thẳng. Trước ngày đi thì thì nên nghỉ ngơi cho tinh thần thoải mái, không nên thức quá khuya, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhất là không được nhịn bữa sáng.

    - Do học bài và lo lắng nhiều, cháu bị đau dạ dày. Đã uống thuốc 30 ngày theo toa bác sĩ. Nhưng dạo này đã hết uống thuốc nhưng cháu lại bị đau bụng đi tiêu phân sống. Cháu bị làm sao? (Lê Phương Nga, 17 tuổi, Yên Bái)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Do lo lắng việc thi cử dẫn đến kích thích dây thần kinh X làm tăng tiết dịch vị gây đau dạ dày, cháu cố gắng không nên căng thẳng suy nghĩ nhiều. Vì thế theo bác sĩ, cháu nên có quỹ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Trường hợp bị đau bụng đi tiêu phân sống thường do căng thẳng nhiều dẫn đến rối loạn tiêu hóa như tăng nhu động ruột, đau bụng. Cháu nên sử dụng một số sản phẩm có tác dụng giảm đau, chống rối loạn tiêu hóa như Grafort, Diosmectite. Chúc cháu sớm khỏi, có sức khỏe tốt để thi cử.

    - Sức khỏe của cháu không được tốt lắm, người hay mệt mỏi lại không muốn ăn, mà lại gần đến mùa thi. Bác sĩ cho cháu hỏi muốn có sức khỏe tốt và tăng cân thì nên có chế độ ăn thế nào? (Ha Xuyen, 17 tuổi, Huế)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Mùa thi gắn liền với mùa hè nóng nực vì vậy việc không muốn ăn và mệt mỏi cũng khó có thể tránh khỏi. Để giảm bớt tình trạng mệt mỏi và đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi, cháu cần có chế độ ăn uống như sau: nên nấu các món ăn dễ tiêu hóa, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như cháo, súp, mì, bún, phở. Nếu ăn không ngon miệng thì nên chia nhỏ nhiều bữa trong ngày. Bên cạnh đó, thì cháu có thể uống thêm 2-3 ly sữa, giàu năng lượng mỗi ngày như: Ensure, Calosure, Berlamin... Ăn nhiều các loại hoa quả tươi, trong trường hợp, ăn không ngon miệng có thể ép lấy nước uống: nước cam, táo, bưởi, quýt... Lượng nước uống trong mùa hè rất quan trọng vì khi thiếu nước cơ thể cũng sẽ rất mệt mỏi. Vì vậy, cháu cần uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

    - Cháu luôn cảm thấy sợ hãi, sợ bị chịu trách nhiệm rằng mình sẽ thi không tốt, kết quả kém. Bác sĩ làm ơn cho cháu lời khuyên vì cháu cảm thấy rất rối bời, liệu có phải cháu bị trầm cảm không? (Trang, 18 tuổi, 34b Cát Linh, Hà Nội)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Cảm giác lo lắng, sợ hãi thi trượt thường xảy ra ở tất cả mọi người. Vì vậy cảm giác của cháu cũng là thông thường chứ không phải vì cháu mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, cháu cần loại bỏ cảm giác này ra khỏi đầu và cháu có thể nghĩ rằng vào đại học cũng không phải là tất cả. Nếu trượt đại học, cháu vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng và các trường dạy nghề khác, miễn sao sau này cháu có một nghề tốt, làm công việc có ích cho xã hội. Khi đã xác định được như vậy thì cháu sẽ không còn cảm giác sợ hãi nữa..

    - Em thường bị đau bụng, tiêu chảy. Em bị polyp trực tràng và đã được điều trị phẫu thuật cắt bỏ, tuy nhiên sau khi cắt em vẫn thường xuyên bị tiêu chảy. Bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì? (Hồng Ánh, 18 tuổi, Cần Thơ)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Chào bạn, polyp trực tràng là bệnh thường gặp. Đây là dạng khối u lồi vào trong loàng đại trực tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng. Nếu phát hiện và loại bỏ kịp thời qua nội soi, sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ phát triển thành ung thư.

    Hiện nay, bạn vẫn bị tiêu chảy sau khi cắt polyp có thể là bạn chưa hoàn toàn bình phục sau lần tiểu phẫu thuật hoặc đang mắc triệu chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy mãn tính hay hội chứng đại tràng kích thích…

    Để biết chính xác bạn nên đi tái khám ở chuyên khoa tiêu hóa để được tái khám, tìm hiểu rõ nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời. Nếu trong trường hợp tiêu chảy không quá trầm trọng hoặc cần phải can thiệp triệu chứng ngay, bạn có thể dụng các thuốc như: Grafort, diosmectite… vừa an toàn, vừa hiệu quả.

    Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn mềm, lỏng, ít chất xơ như cháo, súp nấu với khoai tây, cà rốt, thịt ninh nhừ thì sẽ tốt cho tình trạng tiêu hóa hơn.

    - Chào bác sĩ, dạo này gần mùa thi cháu thường xuyên thức khuya học bài nên mắt rất mỏi và ngứa mắt. Ra ngoài nhà thuốc được giới thiệu dùng Osla để cải thiện tình trạng này. Sau khi dùng được 2 ngày cháu thấy mắt đỡ rất nhiều nhưng cháu muốn biết sử dụng Osla thường xuyên thì có ảnh hưởng gì đến mắt hay không? (Thu Phưong, 17 tuổi, Đà Lạt)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Chào cháu, mỏi mắt và ngứa mắt là triệu chứng thường gặp khi mắt phải làm việc quá mức. Vì điều tiết quá nhiều thì nước mắt sẽ bị bốc hơi nhiều hơn làm giảm số lượng cũng như chất lượng dẫn đến tình trạng khô mắt, gây cảm giác ngứa mát, cộm mắt và mỏi mắt. Việc cháu sử dụng Osla để cải thiện các triệu chứng trên là cần thiết. Với thành phần của Osla là nước muối đẳng trương kèm theo borneol giúp mắt có cảm giác mát dịu và cải thiện các triệu chứng ngứa mắt, khô mắt. Cháu có thể yên tâm sử dụng lâu dài mà không có tác dụng phụ gì ảnh hưởng đến mắt.

    Ngoài việc sử dụng Osla, cháu nên thực hiện thêm một số biện pháp sau:

    - Không bắt mắt phải làm việc quá lâu. Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho mắt, cho mắtt nghỉ khoảng 5-10 phút sau 1-2 giờ làm việc, tránh đọc sách ở những nơi thiếu ánh sáng.

    - Bên cạnh đó chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng, cháu nên tăng cường ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như rau xanh đậm, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, dầu gấc…

    Chúc cháu trải qua một mùa thi thật tốt.

    - Chào bác sĩ, cháu đang ôn thi ĐH, mắt phải đeo kính cận 6,5. Cháu hay bị mỏi mắt nên đang uống viên dầu gấc PV cùng thuốc chống tăng độ cận, nhưng mắt vẫn mỏi. Cháu có tiếp tục uống 2 loại trên không, bao lâu thì ngừng. (Le Tho, 18 tuổi, Ha Noi)

    - Bác sĩ Thuận: Các thuốc trên sẽ cung cấp vitamin A và các thành phần khác giúp bổ mắt, chống khô mắt, vì vậy cháu có thể tiếp tục sử dụng. Còn cháu bị mỏi mắt nhiều do mắt phải làm việc quá tải, điều tiết nhiều vì thế cháu nên có thời gian cho mắt nghỉ ngơi 10 phút sau khoảng 2h làm việc, mắt sẽ đỡ mỏi hơn. Cần thiết cháu có thể dùng thêm một số thuốc nhỏ mắt hỗ trợ đỡ khô mắt, mỏi mắt, nước mắt nhân tạo. Chúc cháu có một kỳ thi tốt.

    - Thưa bác sĩ, do gần tới ngày thi nên cháu thường hay thức khuya đến 1-2h sáng để làm bài, khi ngủ dậy thường rất mệt. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi nên thức khuya đến mấy giờ và dậy lúc mấy giờ, chế độ ăn uống ra sao? (Thái Sơn, 18 tuổi, Hồ Chí Minh)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Gần đến ngày thi, cháu không nên học khuya mà chỉ nên học đến khoảng 11 giờ là đi ngủ. Dù là những ngày ôn thi, thì cháu vẫn phải đảm bảo ngủ 8 tiếng một ngày, có như vậy não mới được nghỉ ngơi và tiếp nhận những kiến thức mới được. Kiến thức mà cháu có đã được tích lũy trong suốt 12 năm học chứ không phải đến những ngày thi mới nhồi vào được, có cố nhồi cũng sẽ không vào.

    Vì vậy, tốt nhất đến gần ngày thi cháu nên nghỉ ngơi thoải mái. Nên đi ngủ lúc 10 giờ tối, dậy lúc 5,6 giờ sáng là hợp lý nhất. Lúc này, đầu óc tỉnh táo, vào buổi sáng cháu ôn lại bài là tốt nhất. Bên cạnh đó, cháu cần có thời gian thư giãn, vui chơi như nghe nhạc, xem phim hoặc đi dạo...

    Chế độ dinh dưỡng thì cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp sức khỏe tốt hơn. Cháu nên ăn đủ 3 bữa chính một ngày, bữa ăn sáng đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoài 3 bữa chính, cháu cần ăn thêm các bữa phụ vào giữa buổi bằng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như sữa, hoa quả tươi, cháo, súp..., tăng cường các thực phẩm nhiều chất đạm như trứng, sữa, cá, thịt... và các thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất khoáng tăng sức đề kháng và tăng trí nhớ từ các loại hoa quả tươi.

    - Con tôi đang gấp rút chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Cháu thường xuyên học đến 2h sáng mới đi ngủ. Sáng dậy cháu thường không muốn ăn gì và thường xuyên nhịn đói đi học. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi có thể cho cháu uống thêm thuốc gì để cháu có cảm giác ăn uống tốt hơn (Trần Vân Anh, 45 tuổi, 28 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Vì cháu thức quá khuya nên người mệt mỏi, không muốn ăn. Việc nhịn đói đi học cũng là điều nên tránh vì cháu có thể bị xỉu hoặc hạ đường huyết trong lúc học trên lớp. Trước hết, chị cần khuyên cháu nên đi ngủ sớm, trước 11 giờ và dậy lúc khoảng 6h sáng, tập thể dục trong vòng 30 phút đến một tiếng. Lúc đó, cháu sẽ có cảm giác đói và ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra có thể cho cháu uống thêm các loại thuốc bổ đa vitamin và khoáng chất.

    - Phải ăn gì để có thể tăng trí nhớ (Lê Tùng Lâm, 17 tuổi, Ha Noi)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Để tăng trí nhớ cháu nên ăn chế độ nhiều đạm như thịt, cá, trứng kết hợp bổ sung các loại hoa quả tươi có nhiều vitamin như cam, đu đủ, dưa hấu. Theo bác sĩ, ở độ tuổi của cháu do phải học hành nhiều nên có quỹ thời gian cho đầu óc nghỉ ngơi. Như thế sẽ tái sản xuất sức làm việc cho trí óc, đấy cũng là một hình thức để cháu tăng trí nhớ giúp việc học tốt hơn. Chúc cháu gặt hái nhiều thành công trong học tập.

    - Xin chào bác sĩ, con trai tôi đang ôn thi đại học nhưng cháu ăn rất ít, tôi có cho cháu uống sữa Ensure, nhưng có nhiều người bảo sữa đó chỉ dành cho người già. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp. (Mai Thanh, 45 tuổi, Đồng Nai)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Trong lúc ôn thì các cháu thường rất mệt mỏi, việc uống thêm sữa là rất cần thiết. Sữa Ensure là sữa cao năng lượng, các cháu từ 10 tuổi trở lên có thể uống loại sữa này chứ không chỉ dành cho người già. Vì vậy chị có thể cho cháu uống mỗi ngày 2 ly để cung cấp thêm vào khẩu phần ăn thiếu hụt cho cháu.

    - Em ngồi dậy hay bị choáng, ăn uống thì đủ chất, em phải uống thuốc gì. Em uống sữa Ensure có được không (Trần Hải Yến, 18 tuổi, Đồng nai)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Tình trạng bị choáng khi ngồi dậy là do thay đổi tư thế đột ngột, gặp ở nhiều người. Ngoài ra cũng có thể do rối loạn tiền đình hoặc bị thiếu máu..., vì vậy, bạn cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.

    - Cháu vừa trải qua một kỳ thi, nói chung là tốt nhưng cháu vẫn không ngủ được. Bác sĩ cho cháu một lời khuyên để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo. (Phạm Trung Nghĩa, 18 tuổi, 18/15 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội).

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do vui hoặc buồn quá hoặc do lo lắng nhiều. Vừa trải qua một kỳ thi sẽ dẫn đến căng thẳng thần kinh, tâm lý lo âu, tập trung trí não nhiều vào việc học tập vì thế theo bác sĩ cháu nên có một quỹ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn như tham gia hoạt động hè, hoặc giúp đỡ bố mẹ trong công việc gia đình... Chắc chắn cháu sẽ ngủ tốt. Chúc cháu thành công trong kỳ thi tới.

    - Xin cho em biết làm thế nào để đảm bảo sức khỏe mùa thi trong mùa World cup ạ! (Lê Thị Hải, 18 tuổi, 27 Nguyễn Thị Minh Khai)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Để đảm bảo sức khỏe trong mùa thi, bạn cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Không nên thức khuya quá 11 giờ, xen kẽ những lúc học bài cần những lúc thư giãn, vì vậy bạn vẫn có thể xem bóng đá. Tuy nhiên, không nên xem bóng đá quá nhiều mà ảnh hưởng đến thời gian học bài.

    Về chế độ ăn uống, cần ăn nhiều các loại thực phẩm chứa chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa..., nên ăn thêm các bữa phụ vào buổi tối khi học bài bằng các thức ăn dễ tiêu hóa như: uống sữa, ăn cháo, súp và uống nước ép quả tươi. Để tránh mỏi, khô mắt và nhức mắt do phải học bài hoặc xem bóng đá, bạn có thể nhỏ mắt bằng thuốc Osla, mỗi ngày 4-5 lần.

    - Cháu có em gái năm nay cũng đối đầu với kì thi cam go. Nhiều khi đi chợ mà cháu không biết mua gì cho em ăn. Vì thực sự cháu cũng không có nhiều thời gian. Về mặt tinh thần, tâm lý thì em gái cháu đã được chuẩn bị từ truớc. Chỉ còn vấn đề ăn uống để bảo đảm sức khỏe cho em. Cháu đang rất cần 1 list danh sách thức ăn cho tuần. Mong bác sĩ giúp cháu. Em cháu trong ngày thường buổi trưa ngủ 1 tiếng. Tối ngủ từ 23h đến 6h sáng. Như vậy là có được không ? (Nguyeu Dieu, 23 tuổi, TP HCM)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Thời gian ngủ, nghỉ ngơi của em cháu như vậy là hợp lý. Còn về chế độ ăn uống thì cháu cần chuẩn bị cho em các món ăn vừa chế biến không mất thời gian mà lại đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết như: sữa cao năng lượng, nấu sẵn 1 nồi cháo, súp có thể ăn trong cả ngày, chế biến sẵn một số món ăn giàu chất đạm để ăn cùng với cơm như: cá kho, thịt rim, thịt bò kho...

    Ngoài ra, cũng cần mua các loại rau xanh như cải, muống, dền... nấu canh hoặc luộc. Xay sẵn mỗi ngày khoảng 2-3 lạng thịt nạc vai để đúc lẫn với trứng hoặc nấu canh sấu chua.

    Đồng thời cũng phải mua nhiều hoa quả tươi như: cam, bưởi, quýt, táo, dưa... để em cháu ăn tráng miệng hoặc xen kẽ giữa các bữa ăn. Bữa ăn sáng cần chuẩn bị nhanh nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng thì cháu có thể cho em ăn bánh mỳ kẹp trứng hoặc bơ, với một cốc sữa 200 ml, một quả chuối hoặc một quả cam. Thỉnh thoảng có thể thay đổi bằng bánh đa khô nấu với thịt hoặc tôm nõn, rau cải hoặc có thể ăn mỳ tôm nấu với thịt bò, rau cải và vẫn kèm 1 cốc sữa chua, 1 quả chuối hoặc cam.

    - Dạo này cháu hay bị nhức đầu, rất đau, mắt cháu hay bị mờ. Vậy cháu cần uống thuốc gì để có thể giữ gìn sức khỏe tới khi thi? Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều! (Thanh Tấn, 19 tuổi, Bình Định)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Việc bị nhức đầu, mỏi mắt, mắt mờ có thể do cháu học tập nhiều dẫn đến căng thẳng thần kinh gây đau đầu hoặc do ít vận động, máu huyết sẽ kém lưu thông, thiếu oxy não, mắt điều tiết kém đi, mỏi mắt. Vì thế cháu nên có thời gian biểu học tập hợp lý, có thời gian để nghỉ ngơi. Cháu có thể sử dụng một số thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetamol, Efferagan, dùng một số thuốc dưỡng mắt. Trường hợp cháu vẫn bị đau nhiều, triệu chứng nặng nề hơn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ hơn nguyên nhân.

    - Những loại thực phẩm nào tốt cho sỹ tử mùa thi? (Pham Ngoc Hao, 18 tuổi, Quang Binh)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Tất cả các thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày đều tốt cho sỹ tử mùa thi cả. Vì mỗi loại thực phẩm thì chứa các loại chất dinh dưỡng khác nhau, vì vậy bạn nên ăn đa dạng và nhiều loại thực phẩm thì sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, vào mùa thi vì trời nóng nực, bạn cần chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất đạm, chất béo đặc biệt là cung cấp ngay hàm lượng đường glucoza cho não hoạt động như: trứng, sữa, thịt, cá và các loại rau xanh, quả chín. Các dạng thực phẩm nên chế biến dưới dạng các món ăn dễ hấp thu, giàu dinh dưỡng như: súp, cháo, mì... Bạn nên uống đủ lượng nước trong ngày, không nên dùng các loại nước kích thích thần kinh như: chè đặc, cafe, nước ngọt có gas mà nên uống các loại nước trái cây ép vừa cung cấp nước vừa cung cấp các khoáng chất, vitamin cho cơ thể chống mệt mỏi và tăng sức đề kháng.

    - Bác sĩ ơi! Dạo này em học nhiều và suy nghĩ nhiều nên cơ thể bị suy nhược, em xuống kí nhiều lắm. Giờ em phải làm sao để cân bằng sức khoẻ và lên cân lại? (Phuong Dung, 21 tuổi, Gò vấp)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Để lấy lại sức khỏe và tăng cân, trước hết em cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức quá khuya. Xen kẽ thời gian học em cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn như nghe nhạc, xem phim, đi chơi cùng bạn bè...

    Còn về chế độ ăn uống, thì em cần phải chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua... Đặc biệt, muốn tăng cân nhanh thì trong chế độ ăn cần đủ dầu, mỡ. Vì vậy, em nên tăng cường các món ăn xào, rán. Nếu mỗi bữa không ăn được nhiều thì nên ăn thêm các bữa phụ như cháo, súp, uống sữa, nên chọn các loại sữa giàu năng lượng và chất béo. Bạn cần ăn nhiều rau tươi và hoa quả chín để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất.

    - Thưa bác sĩ,, cháu hay thức khuya học bài nên hầu như sáng nào cũng cỡ 8 giờ cháu mới dậy. Liệu sau này đi thi cháu có bị buồn ngủ vào buổi sáng không ạ. Để khắc phục thì cháu nên ngủ sớm bắt đầu ngày thứ mấy trước khi thi ạ? Cảm ơn bác sĩ (Bùi Vương Trí Hải, 18 tuổi, 291 Ngô Gia Tự)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Ngay từ bây giờ, cháu không nên thức khuya nữa mà nên đi ngủ sớm và dậy sớm để tạo thói quen. Nếu không sẽ rất có thể muộn giờ thi trong những ngày thi. Cháu nên đi ngủ từ 10 giờ tối và sáng thức dậy lúc 5, 6 giờ, khi ấy đầu óc sẽ tỉnh táo, cháu học bài sẽ tốt hơn.

    - Em thường hay bị đau bụng dữ dội vào ngày đầu của kỳ kinh nguyệt. Vì vậy em rất lo lắng nếu không may bị đau bụng như vậy vào ngày thi. Xin bác sĩ tư vấn các khắc phục tình trạng này. (Nguyễn Yến Thanh, 18 tuổi, 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Trường hợp bị đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt không phải là hiếm gặp, nhất là ở tuổi dậy thì. Nó sẽ hết và không nặng nề vì thế em không cần phải lo lắng quá. Vào ngày thi nếu có biểu hiện đau có thể sử dụng một số thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetemol, Efferangan, em có thể tự tin bước vào mùa thi. Sau kỳ thi này, em nên đi khám chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân để tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúc em thi tốt.

    - Mỗi khi học bài khuya là em thường bị đau đầu (đau nửa đầu) và chóng mặt. Em rất sợ. Không biết em đang bị bệnh gì? (Lâm Nguyễn Quang Hà, 18 tuổi, 118 Lô C2, Chung cư Him Lam. 267B Ba Tơ, P7 - Q8 TP,HCM)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Hiện tượng đau nửa đầu có thể khả năng cháu bị mắc chứng đau Migrain. Cháu cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được điều trị. Nhưng tạm thời cháu có thể uống thuốc điều trị đau nửa đầu như: osteum, flunarizin..., mỗi ngày một viên cho mỗi đợt khoảng 1-2 tuần. Ngoài ra, cháu cũng không nên thức quá khuya để học bài mà nên đi ngủ trước 11 giờ và sắp xếp có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý.

    - Thỉnh thoảng cháu bị đau bụng tiêu chảy 5-10 ngày. Cách đây hơn một tháng, cháu đi khám chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ nói cháu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa và cho uống thuốc, bệnh cháu đã hết nhưng mấy hôm nay lại bị tiêu chảy lại. Vậy cháu bị bệnh gì và uống thuốc gì để hết triệu chứng trên? (Hoàng Hà, 18 tuổi, Thái Nguyên)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Chào cháu. Để biết chính xác lần tiêu chảy này có phải do nguyên nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa như trước đây không, cháu cần đi khám và làm xét nghiệm phân để tìm nguyên nhân. Mặt khác cháu cũng nên kiểm tra lại xem những thức ăn đồ uống hằng ngày có đảm bảo vệ sinh không. Cháu nên hạn chế ăn các thức ăn có nhiều chất béo, khó tiêu, thức ăn nhiều chất xơ như măng chua, thức ăn quá cay quá nóng.

    Bên cạnh đó có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy nhóm tác động tại chỗ như Grafort, diosmetite… vừa an toàn vừa có tác dụng giảm tiêu chảy. Đồng thời uống các nước bù điện giải như oresol, hydrid để tránh mất nước sẽ gây ra những biến chứng đáng tiếc.

    Chúc cháu sớm hồi phục.

    - Thưa bác sĩ, cháu ngồi học bài nhiều hay bị mỏi cổ nên có thói quen bẻ cổ kêu rắc rắc. Càng ngày cháu càng thấy sau khi bẻ nó càng kêu to. Bác sĩ cho cháu hỏi việc làm như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ đặc biệt là khớp cổ không? Xin cảm ơn bác sĩ ! (Phùng Quốc Khánh, 18 tuổi, Hà Nội)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Khi cháu ngồi học nhiều dẫn đến kém lưu thông khí huyết, cơ vùng đầu mặt cổ bị đau mỏi, thậm chí có hiện tượng co cơ, vì thế cháu nên kết hợp giữa việc ngồi học và vận động cơ thể với những bài thể dục nhẹ nhàng để cơ đỡ mỏi, tăng lưu thông khí huyết. Như thế, việc học tập sẽ đạt kết quả tốt hơn. Còn thường xuyên bẻ cổ là thói quen không tốt thậm chí làm mạnh quá có thể dẫn đến chệch đốt sống cổ, rất nguy hiểm. Nếu cổ mỏi quá, cháu nên quay đầu nhẹ nhàng vừa giúp đỡ mỏi và tăng nuôi dưỡng máu cho não, như thế sẽ tốt hơn. Chúc cháu học tập tốt.

    - Cháu chào bác sĩ. Cháu thấy dạo này thường hay lo âu (chắc do cháu nghĩ nhiều về kỳ thi sắp tới quá ). Mỗi lần vậy cháu thường hay thấy cồn cào ở dạ dầy. Liệu như vậy thường xuyên có sao không ạ. Và làm gì để có thể hết các triệu chứng đó? (Nguyen Van Vui, 20 tuổi, Hai Bà Trưng - Ha Noi)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Vì cháu quá lo lắng nên dẫn đến rối loạn thần kinh giao cảm, gây tăng co bóp của dạ dày và ruột. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày do stress. Chính vì vậy cháu không nên quá lo lắng, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Cháu cũng không nên thức quá khuya, nên có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

    - Thưa bác sĩ, cháu thường nghe bạn bè nói khi đi thi thì kiêng không được ăn chuối, trứng, đỗ đen mà chỉ nên ăn đỗ đỏ. Như vậy có đúng không ạ? (Như Huyền, 18 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm mà rất nhiều các bạn học sinh cũng như phụ huynh mắc phải. Việc đỗ đại học hay không không phụ thuộc vào việc ăn cái gì để đỗ hay trượt mà phụ thuộc kiến thức sẵn có cũng như khi làm bài thi bình tĩnh và sáng suốt.

    Trứng là một thực phẩm rất bổ, có đầy đủ các chất dinh dưỡng và cân đối vì vậy cháu cần nên ăn nhiều hơn trong những ngày sắp thi và kể cả khi đi thi.

    Chuối cũng là một loại hoa quả chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, nhất là hàm lượng đường trong chuối là nguồn cung cấp năng lượng kịp thời cho não trong lúc học bài và làm bài. Vì vậy, cháu càng cần phải ăn ngày 2-3 quả. Hơn nữa, chuối lại loại hoa quả an toàn, ít nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật lại rẻ tiền, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, chuối là loại hoa quả cần lựa chọn số một trong các kỳ thi.

    Còn các loại đỗ dù là đỗ đỏ hay đen cũng không nên ăn vì gây đầy đụng, khó tiêu.

    - Làm thế nào để không bị đau bụng trong phòng thi? Cách phòng tránh như thế nào? (Nguyễn Thanh Thủy, 18 tuổi, 71 Hàng Buồm)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Trong những ngày thi là những thời gian quan trọng nhất nếu bị đau bụng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả làm bài. Vì vậy để tránh đau bụng đúng ngày này, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống, đảm bảo vệ sinh, không nên ăn uống ở những hàng thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn quá thời gian sử dụng. Khi mua thực phẩm nên chọn loại thực phẩm thật tươi, không bị ôi thiu. Không nên ăn quá nhiều dầu, mỡ dễ gây đầy bụng, đi ngoài. Tốt nhất bạn nên tự nấu thức ăn ở nhà hoặc ăn ở những nơi có điều kiện vệ sinh tốt.

    - Kính thưa bác sĩ, cháu đang trong giai đoạn ôn thi rất căng thẳng, khoảng 2 tuần gần đây, phần sau cổ hay bị đau mỏi, không cử động được. Cháu có uống thuốc của bác sĩ cho, uống vào thì đỡ đau hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Mong bác sĩ tư vấn giúp. (Tuấn Dũng, 18 tuổi, Tân Bình, HCM)

    - Bác sĩ Tô Đức Thuận: Cháu ngồi học nhiều ở một tư thế, ít vận động sẽ dẫn đến đau mỏi thậm chí co cứng cơ, khó cử động. Cháu nên kết hợp giữa ngồi học với nghỉ ngơi, khoảng 1-2h nên vận động cơ thể để lưu thông khí huyết. Dùng thuốc giảm đau chỉ cải thiện phần nào và trong thời gian ngắn, nguyên nhân chính là do cháu ít vận động. Nếu vẫn thường xuyên đau mỏi nhiều, triệu chứng nặng hơn cháu nên đi khám thêm chuyên khoa cơ xương khớp để có thể được kiểm tra và tư vấn cụ thể hơn. Chúc cháu có một kỳ thi thành công.

    - Tôi nghe nói nước cốt yến rất tốt, vậy tôi có nên mua cho cháu uống thêm vào kỳ thi này không? (Ngo Minh Thu, 48 tuổi, To Vinh Dien, Thanh Xuan Ha Noi)

    - Bác sĩ Lê Thị Hải: Nước cốt yến là một trong những loại nước uống bổ dưỡng, có chứa nhiều chất đạm, các vitamin và khoáng chất. Chị cũng có thể cho cháu uống thêm để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên cũng cần xem cháu có phù hợp với loại nước này không. Nhiều trường hợp có thể gây rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, chị có thể cho cháu uống thêm sữa, nước hoa tươi ép cũng rất tốt cho sức khỏe của cháu trong những ngày thi.

    (Theo VnExpress)