• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Chính sách thuế: “Cứu cánh” cho doanh nghiệp

    Trung tâm Thông tin Kinh tế (BIZIC)- VCCI phối hợp Infolink vừa có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp trong bổi cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

    Trung tâm Thông tin Kinh tế (BIZIC)- VCCI phối hợp Infolink vừa có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp trong bổi cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

    Theo báo cáo, trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang cận kề bờ vực phá sản do một loạt các yếu tố bất lợi như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nguồn vốn vay bị thắt chặt trong khi vốn sản xuất bị ứ đọng do lượng hàng tồn kho lớn. Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp mà nổi bật là các chính sách về thuế.

    “Cứu cánh” cho doanh nghiệp

    Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều chính sách thuế đã được ra đời. Cụ thể, trong năm 2012, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, một gói giải pháp thuế hỗ trợ toàn diện hơn cho doanh nghiệp (gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng) đã được Thủ tướng và Quốc hội thông qua. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ tiếp tục được gia hạn 6 tháng nộp thuế GTGT của tháng 4, 5 và 6 năm 2012, gia hạn 9 tháng nộp thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước. Cùng với đó, ngay trong tháng 7, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP với nội dung chính là giảm 30% số thuế TNDN năm 2012 cho hai nhóm doanh nghiệp nêu trên. Có thể nói, những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục nói trên là “cứu cánh” cần thiết cho nhiều doanh nghiệp.

    Những chính sách được gọi là cứu cánh trên đã giúp cho tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2012 đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm từ 34,9% trong tháng 3 xuống còn 21% tính đến cuối tháng 7. Đặc biệt, trong tháng 7, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng kinh doanh tăng khá, đạt 937 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có lãi trước thuế của quý II tăng hơn so với quý I là 2,5%.

    Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, nhìn tổng thể, số đông doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2012 số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể vẫn ở mức cao. Trong đó, doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất lên đến 9,1%, tiếp đến là khu vực Nhà nước 2,7% và khu vực FDI chiếm 2,4%. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn này vẫn đạt mức thấp ước tính chỉ tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011.

    Còn mang tính hỗ trợ

    Lý giải cho những hạn chế này, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thuế đang được triển khai hiện nay vẫn chỉ mang tính “hỗ trợ” là chính mà chưa thể giúp giải quyết căn bản tình trạng khó khăn của doanh nghiệp. Việc giảm thuế TNDN chưa đạt được hiệu quả do chỉ hướng tới các doanh nghiệp có doanh thu, trong khi một lượng lớn doanh nghiệp đang thua lỗ, có nguy cơ phá sản lại không được hỗ trợ. Thêm vào đó, qua tổng kết quá trình triển khai chính sách thuế từ đầu năm 2012 đến nay nhận thấy còn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi mình được hưởng do thiếu thông tin. Đây là thiếu sót vô cùng đáp tiếc. Thêm vào đó, thủ tục về thuế phức tạp cũng là một rào cản đối với doanh nghiệp.

    Trước thực trạng trên, để chính sách hỗ trợ về thuế phát huy được hiệu quả cao, báo cáo cho rằng không chỉ các cơ quan quản lý mà bản thân doanh nghiệp và các Hiệp hội cần vào cuộc. Cụ thể, về phía cơ quan quản lý Nhà nước: Thứ nhất, cần thông tin kịp thời các chính sách để doanh nghiệp yên tâm, chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu các phương án hỗ trợ thuế trong nửa cuối năm 2012 trong đó có việc triển khai đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế GTGT thêm 3 tháng tiếp sau phương án giãn nộp thuế GTGT 6 tháng đã triển khai theo Nghị quyết số 13/NQ-CP…Thứ ba, Chính phủ nên mở rộng các nhóm đối tượng được hưởng lợi từ chính sách thuế trên cơ sở đảm bảo công bằng và hiệu quả triển khai. Thứ tư, Chính phủ cũng cần cân nhắc ban hành các chính sách thuế hợp lý đối với hàng hóa, dịch vụ đầu vào như điện, nước, than, xăng dầu, chi phí dịch vụ xuất nhập khẩu tại cảng…Thứ năm, trong dài hạn, Chính phủ nên cân nhắc phương án giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 20% cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.

    Để nhận được các hỗ trợ của Chính phủ, báo cáo cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về các chính sách hỗ trợ thuế và sớm chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để hưởng chính sách đồng thời cần mạnh dạn phản ánh vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng chính sách tới cơ quan quản lý để được giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Các Hiệp hội một mặt cần tích cực phản ánh nguyện vọng và vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ quan xây dựng chính sách để các chính sách khi ban hành sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần kịp thời phổ biến những thông tin về chính sách thuế có lợi tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức thiết thực...

    (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)