• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Sốt rét có bao nhiêu thể bệnh?

    Tùy thuộc vào số lượng, chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm, cơ địa của cơ thể người bệnh và tiến triển của bệnh... sốt rét được chia ra làm những thể bệnh khác nhau.

     Tùy thuộc vào số lượng, chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm, cơ địa của cơ thể người bệnh và tiến triển của bệnh... sốt rét được chia ra làm những thể bệnh khác nhau. Theo quan điểm dịch tễ học và cơ địa của người bệnh, bệnh sốt rét được chia làm nhiều thể loại.

     
    Theo quan điểm dịch tễ học, bệnh sốt rét có thể phân chia thành thể sốt rét sơ nhiễm, thể sốt rét tái nhiễm và thể sốt rét tái phát.
     
    Thể sốt rét sơ nhiễm: Đây là thể bệnh được xác định trên những bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét lần đầu tiên. Người bệnh sốt rét là những người từ vùng không có sốt rét đến các vùng sốt rét lưu hành chưa có miễn dịch đối với bệnh sốt rét hoặc trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi đang sống trong vùng sốt rét lưu hành.
     
    Thể sốt rét tái nhiễm: Thường gặp trên những bệnh nhân đã có những cơn sốt nhẹ từ trước nhưng hiện nay cơn sốt xảy ra nặng và liên tục nhiều ngày tương tự như sốt rét thể sơ nhiễm. Các trường hợp này thường gặp ở những bệnh nhân chuyển vùng hoặc đang sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng.
     
    Thể sốt rét tái phát: Thường gặp trên bệnh nhân sốt rét do nhiễm ký sinh trùng P.falciparum kháng thuốc điều trị nên không thể diệt hết thể vô tính của ký sinh trùng trong máu người bệnh. Sốt rét tái phát còn thường gặp ở bệnh nhân sốt rét do nhiễm ký sinh trùng P.vivax vì người bệnh không được điều trị bằng thuốc diệt thể ngủ (hypnozoite) của ký sinh trùng ở trong gan sau khi được điều trị bằng thuốc cắt cơn sốt. Ngoài ra trong tiền sử, những người đã bị nhiễm ký sinh trùng có cơn sốt rét trước đó từ 1 - 2 năm đối với P.falciparum; từ 1,5 - 5 năm đối với P.vivax, P.ovale và từ 3 - 5 năm đối với P.malariae tùy thuộc vào thời gian ký sinh trùng sốt rét tồn tại trong cơ thể.
    Theo cơ địa của cơ thể, tùy theo cơ địa của cơ thể, sốt rét có thể chia thành sốt rét bẩm sinh, sốt rét trẻ em, sốt rét ở phụ nữ có thai, sốt rét ở cơ thể đã có miễn dịch sốt rét và sốt rét do tiêm truyền.
     
    Sốt rét bẩm sinh: Thường gặp ở những trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét và không có miễn dịch đối với bệnh do mới đi vào vùng sốt rét. Có hai loại sốt rét bẩm sinh là sốt rét bẩm sinh thực thụ và sốt rét ở trẻ sơ sinh.
     
    Sốt rét bẩm sinh thực thụ do người mẹ bị tổn thương ở lớp tế bào nhau thai ngăn cách máu giữa mẹ và con. Trong khi sinh đẻ đã làm cho ký sinh trùng sốt rét có khả năng lọt qua và thương tổn này thường xảy ra trong thời kỳ thai nghén.
     
    Sốt rét ở trẻ sơ sinh còn được gọi là sốt rét bẩm sinh giả tạo do trẻ sơ sinh bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét sau sinh vì người mẹ thường chưa có miễn dịch sốt rét.
     
    Sốt rét ở trẻ em: Thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên sống trong vùng sốt rét lưu hành. Trên thực tế ghi nhận tỷ lệ mắc sốt rét và tử vong do sốt rét ở trẻ em, nhất là trẻ em từ 4 - 5 tuổi thường cao hơn người lớn. Nguyên nhân gây nên do trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh và chưa có đủ các yếu tố miễn dịch sốt rét.
     
    Sốt rét ở phụ nữ có thai: Phụ nữ có thai sẽ làm cho sức đề kháng miễn dịch bị suy yếu nên dễ bị mắc bệnh sốt rét từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thời kỳ thai nghén; nhất là phụ nữ có thai lần đầu. Bệnh thường diễn biến nặng và dễ chuyển thành sốt rét ác tính.
     
    Sốt rét ở cơ thể đã có miễn dịch sốt rét: Đối với những bệnh nhân có tiền sử bị mắc sốt rét nhiều lần và đã có một phần miễn dịch; cơn sốt thường xảy ra nhẹ, có khi không thành cơn hoặc không thành chu kỳ; thậm chí chỉ có triệu chứng mỏi lưng, chán ăn, nhức đầu, ớn lạnh, ngáp vặt... Có khi không cần điều trị, cơn sốt cũng tự hết. Trái lại, trên những bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch mắc phải như nghiện ma túy, suy kiệt, ung thư, HIV/AIDS... cơn sốt thường hay tái phát.

    Sốt rét do tiêm truyền: Thường gặp trên bệnh nhân bị mắc sốt rét do truyền máu, do tiêm chích không bảo đảm an toàn như tiêm chích ma túy hoặc do điều trị bằng cách tiêm truyền máu có ký sinh trùng sốt rét để chữa trị bệnh cho một số người bị liệt toàn thân, bị bệnh tâm thần...  
     
    Ngoài các thể bệnh sốt rét được phân loại theo dịch tễ học và theo cơ địa của cơ thể đã nêu ở trên; trong điều trị lâm sàng, sốt rét cũng được phân chia với các thể loại như thể sốt rét thông thường điển hình, thể sốt rét mang ký sinh trùng lạnh, thể cụt, thể sốt rét dai dẳng và thể sốt rét ác tính. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác.
     
    Theo SKDS