• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

“Xuất khẩu tại chỗ” sản phẩm văn hóa Việt

    Du khách quốc tế đến Việt Nam đều tỏ ra rất thích thú với những chiếc áo thun độc đáo in hình Trống đồng, chùa Một Cột, chợ Bến Thành... của Công ty TNHH Bá Việt được bán ngay tại những địa danh du lịch nổi tiếng của các vùng miền.

    Du khách nước ngoài rất thích thú với sản phẩm của Bá Việt
    Du khách quốc tế đến Việt Nam đều tỏ ra rất thích thú với những chiếc áo thun độc đáo in hình Trống đồng, chùa Một Cột, chợ Bến Thành... của Công ty TNHH Bá Việt được bán ngay tại những địa danh du lịch nổi tiếng của các vùng miền.
     
    Trong một chuyến đi du lịch nước ngoài, anh Nguyễn Long Vũ thấy bày bán những sản phẩm áo thun có in hình những địa danh hoặc những nhân vật được xem là niềm tự hào của nước họ. Anh chợt nghĩ, Việt Nam cũng phải bỏ ra hàng triệu USD để thuê Hãng thông tấn BBC (Anh) quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, vậy tại sao mình không làm giống họ?

    Nghĩ là làm, chỉ 3 tháng sau đó, những sản phẩm áo thun in hình Trống đồng, chùa Một Cột, chợ Bến Thành... đầu tiên của Công ty TNHH Bá Việt do anh Nguyễn Long Vũ làm Giám đốc đã ra đời, thu hút sự quan tâm của 2 doanh nghiệp lớn là Công ty DFS Singapore và Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

    “Cuối năm 2009, Công ty DFS Singapore đã đặt hàng chúng tôi 3.000 sản phẩm áo thun với chủ đề “I love Việt Nam” cách điệu, để thực hiện chương trình kích cầu du lịch. Đến đầu năm 2010, một công ty trong nước đã ký hợp đồng đặt hàng 6.000 áo thun để bán cho du khách quốc tế”, anh Vũ cho biết.

    Sau 2 năm kinh doanh mặt hàng áo thun độc đáo kể trên, chỉ số lợi nhuận trung bình của Công ty TNHH Bá Việt là 30%, với hệ số vòng xoay vốn 6 tháng cho ba tụ điểm phân phối hàng và tốc độ phát triển thị trường trên 50%. Với những con số đó, những tưởng Công ty phải “bề thế” và đông nhân viên lắm. Thế nhưng, anh Vũ cho biết, Công ty chỉ có Giám đốc và vài trợ lý.

    Anh Nguyễn Long Vũ

    “Khi học ngành quản trị kinh doanh ở Canada, tôi thấy doanh nghiệp nước ngoài hay sử dụng phương thức Outsourcing (thuê đối tác bên ngoài làm). Trở về Việt Nam mở công ty, chúng tôi cũng liên kết với các đối tác để thực hiện các đơn hàng”, anh Vũ nói và cho biết, nhờ cách làm đó mà anh và các cộng sự có thời gian tập trung nghiên cứu, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm mới, độc đáo.

    Outsourcing hiện không xa lạ gì với Việt Nam. Đây là phương thức chuyên môn hóa các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. “Outsourcing giúp giảm thiểu chi phí đầu tư cho những người trẻ ít vốn. Với phương thức này, họ có thể triển khai các ý tưởng của mình một cách dễ dàng. Trong tương lai, hoạt động này chắc chắn sẽ phổ biến ở Việt Nam”, anh Vũ nói.

    Theo anh Vũ, bán sản phẩm cho du khách cũng được ví như “xuất khẩu tại chỗ”, lại được giá hơn, khách hàng thường thanh toán bằng ngoại tệ. Mặt khác, việc “xuất khẩu tại chỗ” những sản phẩm “không đụng hàng” như sản phẩm áo thun in hình những địa danh nổi tiếng của việt Nam có thể thoát khỏi sự cạnh tranh khốc liệt từ những sản phẩm may mặc bình thường trong nước.

    Được biết, du khách quốc tế khi đến thăm những địa danh nổi tiếng của các vùng miền của Việt Nam đều tỏ ra rất thích thú với những chiếc áo thun độc đáo có hình ảnh của chính những địa danh đó của Công ty TNHH Bá Việt. Đây được coi là “món ăn tinh thần” của họ trong bối cảnh sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn nghèo nàn.

    Hiện nay, Công ty TNHH Bá Việt đã có 6 đơn vị tiêu thụ hàng hóa ổn định và đang lên kế hoạch hợp tác, mở rộng thị trường ra những khu vực phát triển mạnh về du lịch của nước ta như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang…

    (Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)