• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Hàn Quốc: Tổng thống ra tay hạ sốt giáo dục

    Áp lực chạy đua thi cử, học tập cùng những khoản tiêu tốn khổng lồ cho việc học thêm khiến Chính phủ Hàn Quốc lo ngại. Vì thế, nước này đang thực hiện một chiến dịch cải cách.

    Áp lực chạy đua thi cử, học tập cùng những khoản tiêu tốn khổng lồ cho việc học thêm khiến Chính phủ Hàn Quốc lo ngại. Vì thế, nước này đang thực hiện một chiến dịch cải cách.

    Năm ngoái, theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, phụ huynh ở đất nước 50 triệu dân này chi gần 19,5 tỉ USD cho các trung tâm dạy thêm bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc khiếu nại chính việc đầu tư quá mức vào học thêm như thế đã làm cản trở nỗ lực kích thích tiêu dùng tư nhân cũng như tăng trưởng kinh tế, bởi các gia đình dồn tiền cho con học thêm chứ không chi tiêu mua sắm. Chỉ riêng tháng trước, chính phủ ghi nhận trung bình mỗi hộ gia đình dành hơn 500 USD, tức 16% nguồn thu nhập của gia đình, cho các trung tâm dạy thêm.

    Học sinh tiểu học Hàn Quốc tưởng niệm các thuỷ thủ hy sinh trong tai nạn tàu Cheonan. Học sinh Hàn Quốc bị “nhồi nhét” kiến thức đến mức chính phủ không thể kích cầu vì các gia đình dồn tiền cho con đi học thêm chứ không chịu mua sắm. Ảnh: Reuters SGTT

    Nợ nần vì học

    Các chuyên gia nói rằng, trong nhận thức của các phụ huynh, việc con em họ đậu được vào một đại học danh tiếng sẽ mở đường cho một tương lai xán lạn. Gia đình nào cũng sợ con cái của láng giềng vượt qua con mình nên đều lo cho con mình đi học thêm ngoài giờ để có thể dễ dàng vào đại học hơn.

    Bé gái tám tuổi Ho You-Jin đang học tại một trường tiểu học công lập là ví dụ điển hình cho tình trạng “nhồi sọ” quá mức của giáo dục Hàn Quốc. Sau sáu giờ học hành căng thẳng tại trường, cô bé Ho You-Jin trở về nhà nhưng không được nghỉ ngơi. Cô bé ngay lập tức phải “ngụp lặn” trong bộ sách giáo khoa được biên soạn riêng của một trung tâm dạy thêm tư nhân, phần bài vở trong này sẽ tiếp tục lấy đi của cô bé từ năm đến sáu giờ đồng hồ. Ho You-Jin tâm sự: “Em phải học nhiều giờ, rồi tiếp tục mệt bở hơi tai ở điểm học thêm và làm bài tập về nhà”.

    Một ngày học tập của Jin chính là “điển hình kiểu mẫu” của học sinh Hàn Quốc hiện nay, một quốc gia có sự cạnh tranh cao độ lẫn một nền giáo dục đầy “ám ảnh” đối với các học sinh. Cơn sốt giáo dục đang gióng lên hồi chuông nặng nề cho cả kinh tế lẫn xã hội. Những trung tâm dạy thêm tư nhân đắt đỏ bị cho là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình nghèo khổ rơi vào hoàn cảnh nợ nần và làm cho học sinh căng thẳng.

    Ngoài việc cho học thêm tại các trung tâm, nhiều gia đình còn cho con đi học ở các trường tư và đại học nước ngoài. Nhiều bà mẹ phải “tháp tùng” con đi du học. Tình trạng này làm xuất hiện cụm từ “những ông bố ngỗng hoang dã” bởi họ phải thường xuyên bay đi bay về thăm vợ con đang ở nước ngoài “theo đuổi sự nghiệp học tập”.

    “Tôi lo lắng cho tương lai của Hàn Quốc nếu không cải cách giáo dục”

    Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-Bak mới đây đã loan báo một chiến dịch hạn chế các giáo dục tư nhân. Nhưng một số giáo viên và phụ huynh nghi ngờ kết quả của chiến dịch trên, vì có nhiều thiếu sót trong hệ thống giáo dục chính quy. Ví dụ bà Woo Soon-Young, mẹ của You-Jin cho rằng: “Các tài liệu đào tạo trong trường công quá dễ dàng cho học sinh và những cô cậu học sinh không hứng thú lắm với học tập do thiếu sự sáng tạo trong giảng dạy”. Bà Soon-Young còn cho rằng: “Không thể nào đạt được điểm số cao ở các bài kiểm tra quá khó chỉ với giáo dục công”. Ngay chính You-Jin cũng nói rằng trường chính thức cô bé đang học không có gì thú vị và “em chẳng học được gì mới ở đó”.

     Tổng thống Lee Myung-Bak muốn thay đổi điều đó, ông muốn học sinh có khả năng vào trường đại học mà không phụ thuộc vào các trung tâm dạy thêm tư nhân. Ông tuyên bố: “Tôi lo lắng cho tương lai của Hàn Quốc nếu không cải cách giáo dục”. Ông Lee ghi nhận hệ thống giáo dục nhà nước đã góp phần cho sức mạnh phát triển thần kỳ của Hàn Quốc trong nhiều thập niên, nhưng ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi.

    Tổng thống Lee ra lệnh nâng cấp hệ thống phát sóng giáo dục (EBS). Đây vốn là chương trình giáo dục miễn phí qua internet và truyền hình. Ngay sau tuyên bố của tổng thống, số lượt tải bài giảng từ EBS tăng gấp đôi. Người phát ngôn của EBS tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng bài giảng để thu hút học viên”. Bộ trưởng bộ Giáo dục Hàn Quốc Ahn Byong-Man nói: “Chúng tôi đang cố gắng hết mình để giảm tiêu tốn ở giáo dục tư nhân và thu hút nhu cầu học tập sang EBS”. Bộ Giáo dục cũng muốn 70% câu hỏi trong kỳ kiểm tra khả năng hàng năm của các trường cao đẳng đại học dựa trên cơ sở bài giảng của EBS.

    Một số giáo viên nghi ngờ chương trình trên. Một số khác còn đặt ra lo ngại rằng sau khi tải những chương trình giảng dạy từ EBS, học viên vẫn cần phải “đánh vật” với chúng, và các trung tâm dạy thêm vẫn có chỗ đứng. Chính phủ còn ra lệnh các trung tâm dạy thêm đóng cửa trước 10 giờ tối và thưởng tiền cho những ai tố giác trung tâm nào vi phạm quy định.

    (Theo Ngô Minh Trí // SGTT Online // AFP)