• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Không thể chủ quan với cúm A H1N1

    Đó là khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

     Đó là khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trưởng  Bộ môn Truyền nhiễm, ĐH Y Hà Nội trong cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 13-6. 

     
    * Liên tiếp những ca mắc cúm H1N1, thậm chí đã có 3 trường hợp tử vong vì cúm trong tháng 6 này khiến nhiều người lo ngại rằng dịch cúm có thể bùng phát. Xin ông cho biết thực trạng bệnh cúm H1N1 hiện nay ở nước ta ?
     
    - Trước đây, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa thu - đông. Bởi virut gây cúm chỉ thích hợp trong môi trường lạnh. Nhưng giờ đây, giữa mùa hè, chúng ta vẫn có cúm. Có thể đó là vì việc đi lại quá thuận lợi nên có người mắc bệnh, ủ bệnh ở xứ lạnh, bay về nước ta truyền bệnh. Năm 2009, cúm A H1N1 bắt đầu xuất hiện ở Mexico sau đó lan sang nước Mỹ và các châu lục khác. 
     
    * Cúm xuất hiện vào mùa hè có quan ngại không, cơ chế truyền bệnh của loại virút này thế nào, thưa ông?
     
    - Phải nói rằng trong các bệnh lây thì lây qua đường hô hấp diễn biến nhanh nhất, có thể cùng một lúc lan tràn sang nhiều người thông qua cơ chế giọt bắn. Người bình thường ai cũng phải thở nên hít phải giọt bắn có mầm bệnh cúm đều có thể lây bệnh. Tuy nhiên, các tỉ lệ mắc cúm rồi diễn biến nặng thì nó tùy thuộc vào chủng khác nhau. Những chủng như cúm A H5N1 hay H7N9 gọi là cúm gia cầm thì độc lực của virut rất cao, tỷ lệ tử vong trên 90%. Có những năm chúng ta có một số trường hợp nhiễm bệnh này và hầu như không cứu được ca nào. Năm nay BV chúng tôi ghi nhận hai trường hợp H5N1 thì tử vong 1 trường hợp. 
     
    Ngược lại có chủng khác độc lực ít độc hơn nhưng độ lan tràn lại mạnh mẽ như H1N1. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh, bất luận là chủng nào gây ra cúm đều có nguy cơ diễn biến nặng. Bởi 1 bệnh do vi sinh vật gây ra có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Thể đơn giản nhất là thể không có triệu chứng, còn thông thường, trên 60-90% là thể nhẹ. Nhiều người coi hội chứng cúm có thể điều trị ở nhà hoặc tự khỏi. Nhưng cũng còn một tỉ lệ nhất định dẫn đến bệnh nặng. Đó là thể có biến chứng như xâm nhập vào phổi diễn biến rất nhanh. Trong vòng vài ba ngày đầu, toàn bộ trường phổi đã bị viêm hết, phù nề dẫn đến giảm ô xi trong máu bệnh nhân, gây tình trạng sốc, suy giảm phủ tạng. Những trường hợp như vậy nếu đến BV sớm hy vọng cứu chữa tốt hơn. Nếu đến muộn điều trị khó khăn hơn nhiều. Dù cúm chỉ được coi là bệnh xoàng thế nhưng căn bệnh này mỗi năm cướp đi sinh mạng của 250 nghìn-500 nghìn người trên toàn cầu. Vì vậy không thể chủ quan với cúm. 
     
    * Vậy trường hợp cúm H1N1 vừa cướp đi sinh mệnh của 4 người mà không lan rộng ra cộng đồng là do mầm bệnh không phát triển được vì nắng nóng hay do chúng ta phòng chống dịch tốt, thưa ông?
     
    - Do cả hai yếu tố. Thứ nhất môi trường của ta là nóng, virut cúm không thích hợp. Hiện chỉ có một số cá thể có thể phát triển trong môi trường lạnh cục bộ như nhà có điều hòa. Mầm bệnh tồn tại trong khu vực này mới có thể đột nhập lây lan vào người. Tôi lấy ví dụ những ngày nắng nóng nếu nhiều người vào siêu thị tránh nóng đấy là môi trường tốt cho cúm lây lan. Tuy nhiên, cũng có lý do là do cơ chế phòng dịch của chúng ta tốt, nhất là từ sau dịch Sars, chúng ta có biện pháp phòng chống cúm tích cực hơn. 
     
    * Vậy ông khuyến cáo người dân  nên phòng chống dịch cúm A H1N1 như thế nào?
     
    - Như tôi đã nói ở trên, ngay sau khi thành công dập tắt dịch Sars, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống bệnh dịch lây qua đường hô hấp. Vì vậy, trong thời gian qua, chúng ta triển khai ngăn chặn rất nhanh, đạt hiệu quả cao cúm gia cầm và các dịch truyền nhiễm khác. Hiện nay công tác phát hiện sớm bệnh cúm là rất quan trọng, nhưng mọi người thường chủ quan khi mắc bệnh thường cho là cúm thông thường, Chỉ khi diễn biến nặng họ mới đến cơ sở y tế điều trị. Nên có thể hiểu vì sao lại có chuyện trong thời gian ngắn của tháng 6 này chúng ta lại ghi nhận một số trường hợp như vậy. Tuy nhiên, ngưỡng, tỉ lệ mắc bệnh năm nay so thời điểm này năm trước không tăng vọt, nên cũng không nên quá lo ngại về vấn đề này. 
     
    Để phòng bệnh, tốt nhất là nên đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng. Các cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, cúm A H1N1 đã có vắcxin. Người dân nên phòng vệ bằng tiêm vắcxin chống cúm là tốt nhất.
     
    Trân trọng cảm ơn ông!
     
    Theo Đại Đoàn Kết