• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Tập trung đổi mới quản lý giáo dục

    Tập trung nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực của toàn xã hội để thúc đẩy sự phát triển cho toàn ngành là chủ đề mà ngành giáo dục đề ra trong năm học 2009 - 2010.

     
    Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.

    Tập trung nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực của toàn xã hội để thúc đẩy sự phát triển cho toàn ngành là chủ đề mà ngành giáo dục đề ra trong năm học 2009 - 2010.

    Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới quản lý giáo dục  không phải năm nay mới đặt ra mà nó đã song hành cùng với quá trình đổi mới đất nước hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, so với đổi mới kinh tế, quá trình đổi mới giáo dục diễn ra chậm hơn vì giáo dục có những yếu tố đặc thù riêng.

    Phải chăng đổi mới công tác quản lý sẽ có tác động cải thiện chất lượng giáo dục vốn còn quá nhiều bất cập, thưa ông?

    Có thể nói những năm đổi mới đất nước cũng là thời gian đổi mới giáo dục về mục tiêu, giải pháp nhưng cơ chế quản lý giáo dục thì hầu như chưa thay đổi. Ví dụ xã hội hoá giáo dục là chủ trương đổi mới đầu tiên của giáo dục (mặc dù giáo dục vốn có bản chất xã hội), nhưng các cơ chế, chính sách để thực hiện chủ trương này thì chưa đầy đủ, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì thiếu những hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ tự nguyện nên xảy ra tình trạng có nơi làm được, có nơi không dám làm hoặc làm không đúng tinh thần xã hội hoá.

    Gần đây quyền tự chủ của các nhà trường, vai trò chủ động của các sở giáo dục và đào tạo đã được qui định tại Nghị định 43, Thông tư 35 rồi. Các trường bán công đã có hướng dẫn chuyển đổi loại hình theo Thông tư 11... Song tất cả cũng mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu, chưa đồng bộ trong chỉ đạo, năng lực tiếp nhận để thực hiện hiệu quả còn hạn chế, nhiều cơ sở còn lúng túng, thậm chí một bộ phận cán bộ còn ngại đổi mới, muốn có quyền nhưng ngại chịu trách nhiệm.

    Nói tới quản lý giáo dục, tức là nói tới nhiều lĩnh vực khác nhau, như quản lý tài chính, quản lý đội ngũ, quản lý kế hoạch nhiệm vụ...Tóm lại, công tác quản lý giáo dục nói chung và quản lý chất lượng giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều tồn đọng mà năm học này, chúng ta phải tập trung giải quyết.

    Thưa ông, cụ thể trong năm học mới này, những vấn đề gì sẽ được tập trung giải quyết để cải thiện chất lượng giáo dục?

    Trong năm học tới, ngành sẽ tập trung đổi mới phương pháp dạy học đồng thời với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

    Công việc này đã có kết quả bước đầu nhưng có lẽ đội ngũ giáo viên của chúng ta vẫn thiếu cả động lực và điều kiện để đổi mới, trong đó quan trọng hơn là động lực. Công tác quản lý phải tạo ra cho giáo viên quyền chủ động thực hiện dạy học theo chuẩn và trên chuẩn tuỳ theo đối tượng; ban hành tiêu chuẩn và cách thức công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp; quan tâm đến các chế độ chính sách với đội ngũ; có chế độ động viên giáo viên giỏi, học sinh giỏi...

    Về điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, mỗi cấp quản lý đều có trách nhiệm của mình, chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng giáo viên. Cần đẩy mạnh xây dựng trường học thân thiện để tạo môi trường phấn đấu tốt nhất cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống.

    Bộ sẽ xây dựng thư viện mở trên mạng về các tư liệu phục vụ dạy các môn khoa học xã hội nhân văn, thư viện bài tập và câu hỏi kiểm tra để giáo viên, học sinh chủ động tham khảo, sử dụng; tiếp tục bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông...

    Đồng thời, Bộ sẽ triển khai công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đảm bảo để có những hệ đo chuẩn, dễ áp dụng, đạt độ chính xác cao hơn.
    Thực hiện 2 chủ đề lớn này trong năm học 2009 - 2010 không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà còn là cả của xã hội. Vậy công tác xã hội hoá giáo dục sẽ phải tiếp tục được triển khai thực hiện như thế nào trong năm học này, thưa ông?

    Phải tạo được hành lang pháp lý để việc xã hội hoá giáo dục được thực hiện đúng hướng hơn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng tự phát.

    Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05 và Nghị định 69 để tăng cường thu hút nhiều nguồn lực cho giáo dục, ban hành những quyết định cụ thể để mọi người, mọi tổ chức đều có quyền, có cơ hội và có lợi ích (động viên tinh thần hoặc ưu đãi vật chất) khi tham gia đóng góp nguồn lực (cả tâm lực, trí lực, tài lực và vật lực) cho giáo dục.

    Song song với việc động viên khuyến khích đó, cần đẩy mạnh 3 công khai, 4 kiểm tra để minh bạch hoá mọi nguồn lực cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng trong giáo dục.

    Ngoài ra cần tạo ra các địa chỉ để thu hút sự quan tâm đầu tư của xã hội với giáo dục, ví dụ như các trường bán trú, trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục...

    Tóm lại, nếu chúng ta có cơ chế pháp lý tăng cường mối quan hệ hai chiều về trách nhiệm giữa nhà trường và xã hội, tạo được môi trường tốt bằng các cơ chế giám sát chặt chẽ, tạo cơ hội cụ thể thông qua các loại hình trường, các điểm nhấn chất lượng, các phong trào, các cuộc thi...thì sẽ đảm bảo tăng nguồn thu hút, đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn lực thu hút một cách hiệu quả.

    (Theo Lý Hà // VnEconomy)